Lãi suất hiện không còn là điểm nghẽn đối với hoạt động của doanh nghiệp

Lãi suất hiện không còn là điểm nghẽn đối với hoạt động của doanh nghiệp

Thanh khoản dồi dào, việc hạ lãi suất vẫn không đơn giản

(ĐTCK) Một vài điều kiện cần trên thị trường đang hỗ trợ hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, đây không phải việc dễ dàng thực hiện được trong năm 2018.

Điều kiện cần đã có

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định trong quý I/2018. Nguyên do là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm. Cụ thể, đến cuối quý I, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 88,2% (cuối năm 2017 là 87,8%).

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục được duy trì dồi dào là yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất huy động vừa qua của các nhà băng. Bên cạnh đó, NHNN liên tiếp hút ròng tiền đồng kể từ sau Tết nhưng lượng hút ròng này vẫn thấp hơn lượng đã bơm ra trước Tết Nguyên đán qua kênh mua ngoại tệ suốt từ đầu năm và thông qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng dịp cận Tết. Cụ thể, NHNN đã phát hành tín phiếu để hút về 80.000 tỷ đồng.

Năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ

- Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Một diễn biến đáng chú ý khác là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống mức thấp. Cụ thể, cuối quý I, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 0,83%/năm (giảm 0,47 điểm phần trăm so với cuối năm 2017), lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%/năm, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73%/năm (giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017).

Bên cạnh đó, lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tương đối ổn định. Lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 6,5% - 7,5%/năm; lãi suất bình quân huy động kỳ hạn 12 tháng là 6,81%/năm, tăng 0,02% so với cuối năm 2017. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Thống đốc NHNN đã định hướng ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp. Đồng thời, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cùng vào cuộc, thể hiện nỗ lực giảm lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện để thực hiện các giải pháp phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính”.

Trong bối cảnh các điều kiện cần như thanh khoản dồi dào, lãi suất tương đối ổn định đã có đủ, các thành viên thị trường đang đặt vấn đề, liệu lãi suất cho vay có giảm?

Giảm lãi suất: Không dễ dàng

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, có 4 lý do khiến việc giảm lãi suất không đơn giản.

Thứ nhất, theo xu hướng trên thế giới, lãi suất đang được tăng lên tại nhiều quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu. Đây là diễn biến xảy ra sau khi các quốc gia này hết thời kỳ nới lỏng tiền tệ và hiện tại phải tiến hành thắt chặt vì lo ngại lạm phát.

Xu hướng tăng lãi suất là rất rõ, dự kiến lãi suất đồng USD có thể tăng từ 0,75 - 1%/năm, đương nhiên sẽ đẩy mặt bằng lãi suất USD, ngoại tệ Việt Nam tăng lên và khiến việc giảm lãi suất càng khó khăn.

Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn và cho vay ngắn hạn, tính thanh khoản về lâu dài là không có

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

Thứ hai, áp lực tăng lạm phát năm 2018 cao hơn so với năm 2017 bởi: giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá dầu năm nay dự kiến tăng trở lại. Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng 7 - 8%, nhất là khủng hoảng Trung Đông ở Syria còn căng thẳng thêm, tác động khiến giá dầu leo dốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục trong lộ trình tăng giá những mặt hàng cơ bản như giá điện tăng 6,08% cuối năm ngoái, lương cơ bản tăng từ ngày 1/7, bảo hiểm xã hội sẽ còn đi lên. Một số tỉnh năm nay hoàn tất việc tăng giá dịch vụ y tế.

Chưa kể, lượng cung tiền ra nền kinh tế trong năm vừa qua, cũng như năm 2018 sẽ khá lớn ở cả kênh tín dụng, vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài. Hiệu ứng tích cực từ thị trường chứng khoán giúp người dân chi tiêu thoải mái hơn. Áp lực lạm phát tăng khiến khó có thể giảm được lãi suất ở cả đầu vào và đầu ra.

Thứ ba, lãi suất chênh lệch ròng đầu vào - đầu ra của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp so với khu vực, chỉ khoảng 2,8 - 3%. Con số này vào khoảng 3,5 - 4% tại Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Thứ tư, quá trình xử lý nợ xấu được thúc đẩy nhanh hơn nhưng không phải sẽ hoàn thiện trong ngày một ngày hai.

“Nếu thấy lãi suất ngân hàng thấp quá sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền. Tôi cho rằng, ổn định mặt bằng lãi suất năm nay như năm ngoái là rất tốt”, TS. Lực nói.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng phân tích thêm, một điểm khá quan trọng là lãi suất hiện nay không còn là điểm nghẽn đối với hệ thống doanh nghiệp nữa, vì mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 55% so với thời kỳ đỉnh cao. Việc tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên đến 18% là một minh chứng rõ ràng cho điều này.

Thực tế, điểm nghẽn của doanh nghiệp đang nằm ở các chi phí không chính thức. Thông tin từ VCCI cho biết, theo kết quả cuộc điều tra PCI 2017, môi trường kinh doanh đang có những điểm tối như: tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết, họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.

Đồng quan điểm việc hạ lãi suất không dễ dàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích thêm, tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018, gây khó cho việc giảm lãi suất. Cụ thể, quý I/2018, tín dụng trung, dài hạn tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%.

“Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn và cho vay ngắn hạn, tính thanh khoản về lâu dài là không có. Nguồn vốn trung, dài hạn không thể dựa vào thị trường tiền tệ mà phải trên thị trường vốn. Nhưng thực tế, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đáp ứng cho cả tín dụng trung, dài hạn.

Nếu tín dụng trung, dài hạn tăng, các ngân hàng sẽ không đảm bảo được thanh khoản và buộc phải nâng lãi suất huy động lên. Như vậy, cơ hội giảm lãi suất năm 2018 là khó khăn”, TS. Hiếu nói.

Tin bài liên quan