Thanh khoản: "Đám cháy" nguy hiểm nhất của hệ thống ngân hàng

Thanh khoản: "Đám cháy" nguy hiểm nhất của hệ thống ngân hàng

"Đám cháy" nhỏ hơn, nhưng âm ỉ và là mối đe dọa thường trực của hệ thống ngân hàng là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Sau hai tháng nhậm chức Thống đốc, giờ ông Nguyễn Văn Bình đang phải đối mặt với cả ba vấn đề lớn: lãi suất, tỷ giá và vàng. Ba "đám cháy" này đều phải dập, nhưng bắt đầu từ đâu?

 

Vàng nóng, nhưng chưa phải ưu tiên số 1

Diễn biến của giá vàng trong nước những ngày qua khiến người ta đặt câu hỏi: phải chăng NHNN đã bất lực trước thị trường vàng? Cũng lại có ý kiến, liệu NHNN có cần thiết phải mất công đến thế để bình ổn thị trường này?

Trên thực tế, có lẽ chưa đến mức bó tay, nhưng rõ ràng là NHNN đang rất lúng túng trong lựa chọn "liều thuốc" thực sự, đủ mạnh để cắt những "cơn điên" của vàng. Những ngày qua, thị trường vàng có thêm một kỷ lục (cùng với rất nhiều kỷ lục đã được xác lập trong thời gian ngắn vừa qua): mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới lên tới hơn 4 triệu đồng/lượng.

Điều đáng ngạc nhiên là sự vô lý ấy vẫn được người dân chấp nhận qua việc tiếp tục xếp hàng chờ mua vàng. Đó là biểu hiện của sự khủng hoảng niềm tin. Trước hết, do những vũ điệu bất thường của giá vàng thế giới khiến người dân không còn tin là diễn biến của thị trường vàng còn theo quy luật. Thứ hai, liều thuốc nhập khẩu vàng không còn tác động cả về thực tế lẫn tâm lý đến thị trường vàng.

Thông báo tiếp tục cho nhập khẩu vàng mà NHNN phát đi hôm 28/9 gần như không hề tác động đến giá vàng trong nước. Người ta nghi ngờ: NHNN cho nhập nhưng doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa nhập, hoặc nhập rồi nhưng chưa bán ra (vì chưa có lãi cao?)… Vậy nên, theo lẽ thường, người dân đã hành xử theo tâm lý đám đông và quyết định một cách… cảm tính.

Hiện nay mức lãi suất huy động trung bình của 40 ngân hàng, kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng là 13,36%/năm, trong đó mức huy động ở các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng bằng nhau. Đặc biệt, lãi suất không kỳ hạn tăng đột biến, trung bình đang là +- 5%/năm. Lãi suất ngày và lãi suất huy động tuần cũng được các nhà băng đẩy mạnh.

Sức nóng của thị trường vàng đã lan tỏa đến tỷ giá. Tất nhiên, không phải chỉ vì nhu cầu cần ngoại tệ để nhập khẩu vàng mà khiến tỷ giá tăng. Tỷ giá vẫn theo quy luật hàng năm - cung lẫn cầu đều tăng trong những tháng cuối năm, nhưng vì kinh tế Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu nên đã hình thành suy nghĩ "kiểu gì tỷ giá cũng tăng vào cuối năm". Vì thế, bất chấp tuyên bố của Thống đốc NHNN về việc giữ tỷ giá biến động không quá 1% từ nay đến cuối năm, tỷ giá VND/USD đã nhúc nhích tăng từ hồi trung tuần tháng 8, và bắt đầu nóng lên trong những ngày gần đây.

Tỷ giá sẽ tiếp tục tăng còn do tăng trưởng tín dụng ngoại tệ quá đà trong một thời gian tương đối dài; sự "trở lại" của đồng USD trên thị trường tiền tệ thế giới do khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang ngày càng trầm trọng… Thế nhưng, nếu ở vào địa vị của người điều hành chính sách, chịu trách nhiệm về an toàn của hệ thống ngành ngân hàng, thì thấy vàng, tỷ giá tuy là vấn đề nóng, nhưng chưa phải đáng lo ngại nhất. "Đám cháy" nhỏ hơn nhưng âm ỉ lâu nay và là mối đe dọa thường trực của hệ thống ngân hàng là thanh khoản của hệ thống ngân hàng, biểu hiện qua lãi suất. Ở đây chúng tôi chỉ xin xem xét dưới góc độ dễ thấy nhất - lãi suất huy động VND.

 

Không còn liều thuốc khác?

Bất chấp Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động (LSHĐ), vẫn có ngày một nhiều hơn số NHTM đưa ra các sản phẩm huy động vốn với kỳ hạn siêu ngắn, và LSHĐ của các kỳ hạn ngắn được nâng lên.

Để ngăn chặn hành động lách luật của các NHTM, ngày 28/9/2011, NHNN đã ban hành Thông tư số 30/2011/TT quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, kể từ ngày 1/10/2011, NHNN quy định mức LSHĐ tối đa bằngVND: đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14,5%/năm. Quy định này áp dụng cho cả hình thức tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức tín dụng. Tham khảo ý kiến của một số NHTM, câu trả lời mà chúng tôi nhận được nhiều hơn cả là: Chẳng để làm gì! Vì sao?

40% Tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của các TCTD không hề giảm trong những năm qua, hiện vẫn ở khoảng 40%, chưa kể những khoản đầu tư tài chính, trái phiếu doanh nghiệp hay tín dụng "trá hình" đang ngày một nhiều.

Các NHTM lớn thì khỏi bàn, họ vốn có thế mạnh hơn hẳn về thương hiệu, địa bàn hoạt động nên giờ áp dụng chung một mức LSHĐ hẳn nhiên họ hoàn toàn yên tâm rằng, các ngân hàng nhỏ không thể sử dụng bừa bãi vũ khí LSHĐ để tranh giành nguồn vốn với họ. Do đó đáng lo nhất là những NHTM nhỏ.

Tuy chưa đến mức "đói ăn vụng, túng làm liều", nhưng rõ ràng một số NHTM đang thật sự gặp khó khăn về thanh khoản nên họ phải "tính". Ra cơ sự này, lỗi phần nhiều là ở chính tổ chức tín dụng. Theo thông tin chúng tôi có được, trung bình kỳ hạn tiền gửi của khách ngày càng ngắn, từ mức 6 tháng của năm ngoái, giờ chỉ còn một tháng! Với tình hình này, trung bình kỳ hạn tiền gửi sẽ càng ngắn lại. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của các TCTD không hề giảm trong những năm qua, hiện vẫn ở khoảng 40%, chưa kể những khoản đầu tư tài chính, trái phiếu doanh nghiệp hay tín dụng "trá hình" đang ngày một nhiều.

NHNN đang rất lúng túng trong lựa chọn "liều thuốc" thực sự, đủ mạnh để cắt những "cơn điên" của vàng

Sau 20 ngày các ngân hàng thực hiện quy định LSHĐ 14%/năm, ngày 28/9, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng đã lên mức 15,8 - 16%/năm, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối tuần trước. Doanh số dao dịch trên thị trường liên ngân hàng ngày càng tăng, các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần chiếm 68% tổng doanh số… Điều đó cho thấy, tình trạng "giật tạm" để bù đắp thanh khoản của các ngân hàng đang gia tăng. Thêm nữa, theo dữ liệu của Reuters và tính toán của NDHMoney, trong 4 phiên giao dịch từ ngày 26-29/9/2011, NHNN đã bơm ra 5.000 tỷ đồng trên thị trường mở với lãi suất 14%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Những động thái này cho thấy cần phải đặc biệt chú ý đến thanh khoản của NHTM.

Lúc này, điều đáng lo sợ nhất và là "đám cháy" âm ỷ nhưng lại nguy hiểm nhất chính là tâm lý đám đông. Sự mất niềm tin và tâm lý đám đông là mối đe dọa đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Còn nhớ, năm 2003, chỉ khi thống đốc thời đó-ông Lê Đức Thúy đứng ra "bảo lãnh" cho ACB trước tin đồn NH này mất khả năng thanh khoản, mới có thể làm yên lòng người gửi tiền. Bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị!