Thanh khoản, cần giải pháp đa dạng

Thanh khoản, cần giải pháp đa dạng

(ĐTCK) Chỉ còn chưa đầy 1.500 tỷ đồng được giao dịch trên cả 2 Sở trong phiên cuối tuần, ngày 4/9/2015, khiến câu chuyện về thanh khoản trở thành nỗi lo chung của nhiều CTCK. CTCK HSC đã điều chỉnh kỳ vọng giao dịch của TTCK từ mức 4.000 tỷ đồng/ngày xuống 3.200 tỷ đồng/ngày cho những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, mức 3.200 tỷ đồng/phiên cũng vẫn là một thách thức, nếu TTCK không có thêm nhiều giải pháp kích hoạt thanh khoản.

Một trong những lý do khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chưa chảy nhiều vào TTCK Việt Nam là thanh khoản còn hạn chế. Trong khi đó, NĐT nội và cả cơ quan quản lý kỳ vọng, sự tham gia của khối ngoại, nhất là sau quyết định mở “room”, sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho TTCK. Tuy nhiên, quyết định nới room là cú huých ngấm dần theo thời gian, chứ không phải “nước tăng lực” tức thời cho thanh khoản của thị trường.

Trong khi dòng vốn nước ngoài có xu hướng giảm, giá nhiều cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn, vốn đầu tư trong nước dồi dào, thì dường như thị trường đang thiếu những giải pháp để hỗ trợ thanh khoản. Cải thiện thanh khoản là bước quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi sau quyết định nới room, dự báo không chỉ NĐT tổ chức, mà cả NĐT cá nhân nước ngoài sẽ đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Quan sát thị trường thời gian gần đây có thể thấy, một số giải pháp cải thiện thanh khoản đôi khi đã không tìm được tiếng nói chung. Chẳng hạn, khi quy định nới room được chính thức ban hành, UBCK không muốn áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết , một sản phẩm mà HOSE nghiên cứu, phát triển dựa trên học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái Lan.

Không nói tới việc triển khai sản phẩm này đã thực sự cần thiết, phù hợp, khả thi… hay chưa, mà trong bối cảnh TTCK còn nghèo nàn về hàng hóa, những sản phẩm, sáng kiến nào góp phần tăng thanh khoản khoản đều nên được khuyến khích, triển khai. Thực tế, sẽ không có một giải pháp ưu việt nào có thể giải quyết hết các vấn đề của thị trường.

Câu chuyện về những bất cập trong quy định về margin cũng là điểm NĐT, CTCK kiến nghị đã lâu, nhưng hiện vẫn chưa có diễn tiến mới về chính sách. Hỗ trợ NĐT vay tiền mua cổ phiếu, nếu được thực hành theo hướng bám sát nhu cầu thị trường hơn, chắc chắn sẽ thúc đẩy thanh khoản. Nhà quản lý vẫn có đủ công cụ giữ an toàn cho thị trường bằng việc khống chế tỷ lệ margin cụ thể, nhưng đối tượng các cổ phiếu được margin thì rất cần được mở rộng, chứ không nên bó hẹp như hiện nay.

Hội thảo Quản trị công ty tổ chức tại HOSE cuối tuần qua cho thấy, chỉ riêng việc thúc đẩy quản trị công ty tốt, đáp ứng yêu cầu của NĐT nước ngoài, mà mỗi nước đều có những sáng kiến và cách làm riêng sáng tạo.

Thái Lan có Học viện Quản trị công ty; Tại Phillippines, UBCK nước này ngồi lại với từng DN, bàn về việc làm gì để cải thiện quản trị công ty.

Malaysia thì cử đại diện giám sát thực thi quyền của cổ đông nhỏ tại các ĐHCĐ, Chủ tịch UBCK viết thư khuyến khích DN công bố công khai thù lao của lãnh đạo, hay thưởng các DN thực hiện tiêu chuẩn thành viên HĐQT độc lập…

Đối với Việt Nam, ở hiện trạng điểm số về quản trị công ty xếp “đội sổ”, rất cần những sáng kiến để rút ngắn khoảng cách với các thị trường trong khu vực.

Bên cạnh những biện pháp lớn, mang giá trị lâu dài như nới room hay cải thiện quản trị công ty, NĐT rất cần những giải pháp kỹ thuật nho nhỏ, được thực hiện thường xuyên hơn, để duy trì thanh khoản và cải thiện hình ảnh của TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan