Thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc, tại sao tín dụng lại tăng trưởng thấp?

Thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc, tại sao tín dụng lại tăng trưởng thấp?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguyên nhân được chỉ rõ từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng và thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB đặt vấn đề: "Đối với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện nay như thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc, nhưng tại sao tín dụng lại tăng trưởng thấp?".

Theo bà Hà: "Chúng tôi đánh giá là do nhu cầu của kinh tế Việt Nam, hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng”.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank chia sẻ, tình hình hiện nay bản thân các doanh nghiệp tương đối thận trọng vay vốn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu không có đơn hàng mới, không có dự án bất động sản mới, không mở rộng đầu tư mới... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại.

“Quý I, Techcombank tăng trưởng tín dụng gần 8%, tuy nhiên, dự báo quý II sẽ chậm lại”, ông Thắng nói.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank

Cũng trong diễn biến, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, tăng trưởng tín dụng hầu hết các khu vực giảm so với đầu năm (chỉ có Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tăng) và nguyên nhân giảm không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế.

Còn bà Đinh Thị Thái, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, ngay từ đầu năm Vietcombank có 2 đợt giảm lãi suất mạnh để hỗ trợ khách hàng và hiện ngân hàng vẫn đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường.

“Hiện tại khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế”, bà Thái nói.

Bà Đinh Thị Thái, Phó tổng giám đốc Vietcombank
Bà Đinh Thị Thái, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đã đạt trên 5% nhưng sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế giảm. Đơn hàng xuất khẩu giảm. Nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ giai đoạn trước. Khách hàng cá nhân (vay kinh doanh và tiêu dùng) giao dịch giảm sút, nhu cầu vay vốn mua nhà giảm. Do đó, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại so với cùng kỳ các năm trước.

Trên cơ sở thông tin tổng hợp từ các thành viên trong hệ thống, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội NHNN cho biết, huy động trên địa bàn tăng 2%, hơn 4,8 triệu tỷ đồng; tín dụng tăng 2,9%, trên 3 triệu tỷ đồng.

“Thanh khoản hết sức dồi dào nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm. Ngay ở Hà Nội đã tổ chức mấy hội nghị xúc tiến cho doanh nghiệp nhưng năng lực của các doanh nghiệp hiện nay giảm, nên khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Cũng câu chuyện tương tự, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin, tín dụng trên địa bàn tăng 1,25% so với cuối năm 2022 và 8,75% so với cùng kỳ. Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh chịu tác động trực tiếp từ môi trường, sức hấp thu vốn của doanh nghiệp thấp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%).

“Ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng, còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án) dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...”, ông Tú nhấn mạnh.

Tin bài liên quan