Khu kinh tế Nghi Sơn đã cấp phép cho 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần, tổng mức đầu tư hơn 5.802 tỷ đồng
Năm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Tại Hội nghị Công nhân viên chức Khu kinh tế Nghi Sơn diễn ra cuối tháng 12/2014, ông Trần Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho hay, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của Ban quản lý là tập trung mọi nguồn lực đảm bảo công tác triển khai xây dựng Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. “Năm 2015 là năm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn”, ông Hòa khẳng định.
Được khởi công xây dựng từ cuối tháng 10/2013, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, trong đó Công ty Dầu khí Kuwait và Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản cùng nắm giữ mỗi bên 35,1%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 25,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản 4,7%. Dự án được đánh giá có vai trò động lực trong thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, mà cụ thể là vào Khu kinh tế Nghi Sơn và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, tính đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 297 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng và 20 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 12,25 tỷ USD. Trong đó, riêng Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 115 dự án đầu tư, trong đó có 9 dự án FDI, vốn đăng ký gần 10 tỷ USD.
Ngoài Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có thể kể hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn đã và đang được triển khai ở Khu kinh tế Nghi Sơn, như Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW, vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng; Nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 2.400 MW, vốn 2,3 tỷ USD, do Liên doanh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) triển khai theo hình thức BOT; Nhiệt điện Công Thanh công suất 600 MW, vốn đầu tư 900 triệu USD; hay Nhà máy Xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn, tổng vốn đầu tư 700 triệu USD; Xi măng Công Thanh công suất 5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 700 triệu USD…
Ông Trần Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, sau khi Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai xây dựng, thời cơ và vận hội đầu tư phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều đổi mới. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có sự xuất hiện những nhà đầu tư đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Ba Lan, Pháp, Canada, Australia…
Then chốt là dịch vụ hậu cần
Trong giai đoạn triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (năm 2014 - 2018), theo tính toán sơ bộ, số lượng cán bộ, chuyên gia, công nhân tại Dự án ở thời kỳ cao điểm nhất có thể lên đến 45.000 người (riêng tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có khoảng 30.000 người).
Do đó, việc đáp ứng nhu cầu ăn ở, đi lại, sinh hoạt của các chuyên gia và nhân công trong Khu kinh tế Nghi Sơn là yêu cầu cấp bách. Mục tiêu đặt ra đến quý I/2015, một số công trình nhà ở cho người lao động phải được hoàn thành và tháng 5/2015, phải có nhà ở phục vụ các chuyên gia (cao điểm khoảng 5.000 kỹ sư, chuyên gia). Đồng thời, phải xây dựng những khu vui chơi giải trí, khám chữa bệnh, lớp học mẫu giáo... tại đây.
Yếu tố then chốt đảm bảo việc triển khai đúng tiến độ và quyết định thành công của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là công tác hậu cần. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan chức năng đã rốt ráo chỉ đạo công tác lập quy hoạch, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển các dự án dịch vụ hậu cần phục vụ công tác triển khai Dự án.
Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, dịch vụ, thương mại tại Thanh Hóa, Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát đang triển khai Dự án Cung cấp dịch vụ hậu cần tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với nhiều hạng mục quan trọng, như khu nhà ăn uống tổng hợp, 100 căn hộ cao cấp phục vụ các chuyên gia (với diện tích sàn 70 m2/căn), khu nhà hàng ăn uống dịch vụ tổng hợp và khu vui chơi thể thao… có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Tới đây, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư Dự án Khu dịch vụ công cộng Bắc núi Xước tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia (thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn). Dự án sẽ bao gồm các công trình: Tổ hợp tài chính - ngân hàng; dịch vụ thương mại, siêu thị; khách sạn, nhà nghỉ; khu câu lạc bộ thể thao; khu cây xanh; hạ tầng kỹ thuật; bãi đỗ xe…, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 1.568 tỷ đồng.
Ông Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch HĐQT Công ty Anh Phát cho biết, đơn vị đã sớm có những dự báo về nhu cầu sử dụng dịch vụ hậu cần tại Khu kinh tế Nghi Sơn trong thời gian triển khai xây dựng Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đã sớm lập dự án, tiếp cận thông tin để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần phục vụ quá trình triển khai dự án này.
“Đây là một trong những định hướng đầu tư chiến lược, không chỉ phục vụ việc triển khai Dự án, mà còn được tiếp tục phát triển mở rộng ngay cả sau khi đưa Dự án vào hoạt động”, ông Nghiệm nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Nghi Sơn đã tiếp nhận và cấp phép cho 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần, với tổng mức đầu tư hơn 5.802 tỷ đồng, trong đó hầu hết đều trong giai đoạn đã và đang triển khai xây dựng. Điều này phần nào cho thấy sự chủ động của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa nói chung và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng trong việc sẵn sàng đảm bảo công tác triển khai xây dựng Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Điều đó cũng lý giải phần nào thông điệp mà người đứng đầu Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, rằng 2015 là “năm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.