Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thành lập doanh nghiệp mới

0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa có 1.424 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ.
Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thành lập doanh nghiệp mới

Đó là những con số từ báo cáo số 139/BCĐ-BC ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong số doanh nghiệp thành lập mới này có 1.193 là công ty trách nhiệm hữu hạn, chiếm 83,8%, 228 công ty cổ phần, chiếm 16%, 3 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 0,2%. Trong 6 tháng đầu năm, một số địa phương có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt và vượt kế hoạch như: huyện Ngọc Lặc, huyện Bá Thước đạt 100% và huyện Như Xuân đạt 113,33% kế hoạch.

Trong bối cảnh chung doanh nghiệp cả nước còn nhiều khó khăn, 6 tháng đầu năm Thanh Hóa cũng đã có 789 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 33 dự án (24 dự án đầu tư trong nước, 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 8.948,5 tỷ đồng và 131,4 triệu USD. Điều chỉnh tăng 47,4 triệu USD vốn đối với 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, có một số dự án lớn: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn 5.500 tỷ đồng, dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương 1.098,5 tỷ đồng, dự án Nhà máy Nghi Sơn Global 860 tỷ đồng, dự án Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, Bá Thước 320 tỷ đồng và dự án Nhà máy Green Leader Việt Nam 30 triệu USD.

Có được kết quả đó, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chi phí sử dụng chữ ký số, hỗ trợ chi phí chuyển phát kết quả thủ tục hành chính, triển khai tích cực cẩm nang hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh... Tổ chức 30 khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, bồi dưỡng kiến thức về quản trị kinh doanh, 28 lớp tập huấn, 30 phiên giao dịch việc làm với 261 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 14.670 người lao động tham gia, qua đó, kết nối việc làm thành công cho 1.436 lao động. Tạo việc làm cho 30.550 lao động (đạt 52,7% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ năm trước).

Cơ quan thuế đã thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách trên 14,2 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 285 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn 603 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch 340 tỷ đồng; hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.129 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu 4.376 tỷ đồng, giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay 92.646 tỷ đồng cho 284.227 khách hàng, số tiền lãi miễn cho khách hàng 314,9 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5 đến 2,5%/năm), lãi suất ưu đãi cho 8.246 khách hàng vay mới với doanh số cho vay 113.053 tỷ đồng…

6 tháng cuối năm, Thanh Hóa tiếp tục đề ra các giải pháp quyết liệt, như đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính quyền điện tử” để giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; thực hiện mô hình “Tổ công tác liên ngành” trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, loại bỏ các đầu mối, công đoạn xử lý chồng chéo, thiếu trách nhiệm, trong giải quyết công việc…

Tin bài liên quan