Thành công thực sự của bầu cử

0:00 / 0:00
0:00
Hôm qua, gần 69,2 triệu cử tri cả nước đã tới 84.767 khu vực bầu cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội và trên 268.000 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đây là cuộc bầu cử rất đặc biệt, như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là lần đầu tiên, chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay.

Song vượt lên sự hoành hành của đại dịch, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới đã được tổ chức đúng luật định, thành công trên tất cả các phương diện.

Lịch sử sẽ ghi nhận hình ảnh những lá phiếu được bỏ từ các khu cách ly, từ tay những người đang chống chọi với dịch bệnh và cả những người chống dịch ở tuyến đầu, kiên cường trong màu áo bảo hộ chuyên dùng với hai màu xanh, trắng. Đó là hình ảnh đặc biệt trong lịch sử 15 lần bầu cử đại biểu Quốc hội, và tất nhiên, thông điệp từ đó cũng khó diễn tả hết bằng ngôn ngữ.

Hình ảnh đó phần nào cũng nói lên trọng trách trên vai những đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ mới, ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Đó là phải hoàn thành cả ba nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện bằng được các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, cũng như phải thích ứng với những đổi thay toàn diện, sâu rộng, chưa có tiền lệ của thế giới.

Nhớ lại, Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi Covid-19 bùng phát lần thứ ba, nhưng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) được nêu tại nghị quyết vẫn thể hiện quyết tâm đến năm 2025 đưa Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Vừa đối phó với đại dịch chưa ai biết khi nào đến hồi kết và chưa biết hậu quả sẽ đến mức nào, vừa hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, bối cảnh ấy là riêng có của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Nhưng ý nghĩa của bầu cử, từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, như Hồ Chủ tịch đã nói: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử" vẫn vẹn nguyên.

Đúng 30 năm sau, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25/4/1976, với 98,77% cử tri tham gia bỏ phiếu, đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại.

Bầu cử đại biểu Quốc hội là việc lớn của đất nước và người dân quan tâm sâu sắc đến việc nước, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phát huy truyền thống đó có ý nghĩa quyết định với sự thành công của cuộc bầu cử lần này - cuộc bầu cử 45 năm sau ngày bầu cử Quốc hội chung, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với khó khăn chưa từng có tiền lệ.

Nhưng, cuộc bầu cử nào cũng chỉ thực sự thành công khi các đại biểu dân cử thực sự xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, thực hiện đúng các nội dung đã cam kết trong chương trình hành động của mình.

“Việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh”. Không chỉ một ứng cử viên đại biểu Quốc hội nhắc đến lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trình bày chương trình hành động nếu trúng cử. Các ứng viên ở cương vị, trọng trách, lĩnh vực công tác khác nhau, song đều cam kết sẽ làm những việc có lợi cho dân.

Song ngay ở cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, có những vị đủ số phiếu thuận, nhưng không được xác nhận tư cách đại biểu. Không ít người phải rời ghế giữa chừng vì những vi phạm, những việc làm không như đã hứa với cử tri. Bởi vậy, sau lá phiếu của cử tri, còn cần trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc xác nhận tư cách đại biểu, để nghị trường không có ghế trống giữa chừng.

Cần hơn nữa, là mỗi vị đại biểu Quốc hội khóa XV không chỉ tròn vai theo nghĩa có mặt đầy đủ tại các phiên họp và bấm nút theo số đông, mà thực sự là những nhân tố mới, là những người 6 dám (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách) được nêu tại báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.

Ưu tiên những dự án luật nào để tháo gỡ những nút thắt thể chế hiệu quả nhất? Ưu tiên nguồn lực cho những công trình dự án nào để những đồng vốn ngân sách hạn hẹp sẽ tạo được sự lan toả cao nhất, thu hút được các nguồn vốn khác của xã hội cho phát triển? Hoạt động giám sát cần đổi mới ra sao để hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước?... Đó là những câu hỏi cần sự lao động nghiêm túc, cần sự dấn thân của mỗi tân đại biểu.

Trong chương trình hành động của mình, cam kết đầu tiên của một trong số ít ứng viên đã tham gia Quốc hội liên tục 4 khóa và là lãnh đạo cao nhất của Đảng là "Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan".

Thực hiện đầy đủ cam kết này, mỗi đại biểu dân cử nhiệm kỳ mới hẳn sẽ có câu trả lời xác đáng nhất cho các câu hỏi nêu trên. Và đó mới là thành công thực sự của bầu cử.

Tin bài liên quan