Thành công sau 30 năm Đổi mới hối thúc Việt Nam thành công hơn

Chia sẻ với Báo Đầu tư trước thềm Xuân mới Đinh Dậu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù thách thức, khó khăn phía trước còn rất lớn, nhưng ông có một niềm tin vững chắc vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước. 

Với một quyết tâm và khát vọng mãnh liệt, ông nhấn mạnh rằng, những thành công như ngày hôm nay sau 30 năm Đổi mới càng hối thúc Việt Nam phải thành công hơn nữa, với tốc độ nhanh hơn và trong thời gian ngắn hơn.

Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã bước vào năm 2017 - năm có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng đồng thời là năm thứ 31 của sự nghiệp Đổi mới. Ông có tin rằng, chúng ta sẽ bước ra khỏi những khó khăn, thách thức hiện nay để tiếp tục thành công hơn nữa trong tương lai?

Tôi có một niềm tin vững chắc vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước, cùng với những quyết tâm và khát vọng mạnh liệt. Sau 30 năm Đổi mới và phát triển, Việt Nam đã đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đảm bảo được sự ổn định và công bằng, từ một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới, chỉ trong vòng một thế hệ, đã vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình (thấp), đạt được nhiều thành tựu về xã hội tương đương với các quốc gia có thu nhập cao hơn.

Con đường phía trước tuy còn nhiều thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam hiện có những cơ sở, những yếu tố tiềm năng không nhỏ nếu khai thác tốt.

Chính thành công đó đã củng cố niềm tin về một tương lai phát triển của đất nước. Đã thành công như ngày hôm nay sau 30 năm Đổi mới, càng hối thúc chúng ta phải thành công hơn nữa, với tốc độ nhanh hơn và trong thời gian ngắn hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận rằng, những gì đã đạt được là chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và người dân. Nền kinh tế đã, đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.

Chẳng hạn, thách thức về sự tụt hậu khi mà khoảng cách về quy mô nền kinh tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới dù đã có sự thu hẹp dần, nhưng vẫn còn khá xa; thách thức về bẫy thu nhập trung bình; thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu… Chưa kể, còn là thách thức từ hội nhập quốc tế.

Một điều rất rõ ràng là, hội nhập quốc tế đem lại cả cơ hội và thách thức, cạnh tranh gay gắt cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của chúng ta vẫn ở mức độ khiêm tốn; nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào diễn biến của kinh tế thế giới; an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.

Hiện tại, kinh tế thế giới đang chững lại trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở tương đối lớn, phụ thuộc nhiều vào giá cả thế giới, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài... nên cũng bị tác động không nhỏ. Dừng lại một nhịp để thực hiện các điều chỉnh cần thiết trước khi bứt phá là điều cần thiết. 

Bộ trưởng vừa nhắc tới hai từ “bứt phá”. Việt Nam đúng là đã và đang “dừng lại một nhịp”, nhưng còn các điều kiện để bứt phá đã và sẽ được chuẩn bị như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên về thách thức về bẫy thu nhập trung bình. Khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không còn dựa nhiều vào vốn đầu tư và khai thác tài nguyên, chắc chắn rằng, không còn cách nào khác là phải cải thiện được sự đóng góp của vốn nhân lực, mà cụ thể là tăng năng suất lao động và nâng cao sự đóng góp của yếu tố công nghệ trong tăng trưởng.

Vượt qua bẫy thu nhập trung bình không đơn giản, có thể mất hàng thập kỷ, nhưng nếu không có quyết tâm ngay từ bây giờ thì sẽ rất khó vượt qua được bẫy, cũng như rất khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Và để làm được điều này, không còn cách nào khác, chúng ta phải giải quyết được một loạt vấn đề liên quan đến thể chế thị trường; động lực phát triển; nguồn lực đầu tư; tạo thêm các dư địa về chính sách, nhất là chính sách tài khóa...

Giải quyết được vấn đề trước mắt, nhưng cũng phải đảm bảo được định hướng lâu dài trong các chính sách phát triển, giữ được ngọn lửa Đổi mới và kiên định với chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ Việt Nam sẽ không lùi bước trước khó khăn, mà cùng nhau phấn đấu để thoát khỏi tình trạng “thường thường bậc trung”. Đó cũng chính là lý do Chính phủ Việt Nam nhất quán xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, chuyển dần từ quản lý sang phục vụ, lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển trong giai đoạn tới. 

Động lực đó sẽ được xây dựng như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Một cách khách quan, có thể nhận xét rằng, con đường phía trước tuy còn nhiều thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam hiện có những cơ sở, những yếu tố tiềm năng không nhỏ nếu khai thác tốt, chắc chắn những khát vọng tương lai - khát vọng trở thành một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035 - sẽ trở thành hiện thực.

Thành công sau 30 năm Đổi mới hối thúc Việt Nam thành công hơn ảnh 1

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có niềm tin vững chắc vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước

Đó là các yếu tố về địa kinh tế, địa chính trị và hội nhập quốc tế, về thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh, về cơ cấu dân số vàng và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, cũng như yếu tố về tài nguyên thiên nhiên…

Những yếu tố tiềm năng này là to lớn và đang sẵn sàng cho công cuộc phát triển. Tuy vậy, cũng phải nhận thức được rằng, hàm chứa đằng sau những tiềm năng đó cũng chính là những thách thức, thậm chí là thách thức rất lớn.

Chẳng hạn, yếu tố địa kinh tế, địa chính trị dễ xảy ra những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, gây mất ổn định; yếu tố thể chế khi cải cách dễ gặp phải những lực cản xuất phát từ những lợi ích khác nhau; yếu tố dân số vàng nếu không tạo đủ công ăn việc làm sẽ dễ dẫn đến những bất ổn, tệ nạn xã hội; và yếu tố tài nguyên nếu không được sử dụng tiết kiệm, hợp lý sẽ dẫn đến cạn kiệt, hủy hoại môi trường.

Vậy nên, tầm nhìn sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận về tương lai của tất cả mọi người, sự quan tâm, tin cậy của bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp…, sẽ là sự đảm bảo bằng vàng cho việc biến khát vọng tương lai thành hiện thực.

Trách nhiệm của chúng ta đối với sự phát triển của đất nước là rất nặng nề, đường đi đã rõ ràng và thời khắc đã đến, nhiệm vụ cao nhất đối với chúng ta lúc này là phải chạy nhanh về đích. Để làm được điều này, không chỉ nhìn vào những gì đã đạt được của chính chúng ta, mà còn phải nhìn vào phần còn lại của thế giới với một tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ. Vì nếu thiếu nó, chúng ta sẽ tụt hậu và sẽ phải rất lâu mới gượng dậy được. 

Xin đặt thêm một câu hỏi cuối cùng với Bộ trưởng. Đó là dù vẫn có những cái nhìn phiến diện, nhưng thực tế không thể phủ nhận là, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Và vì vậy, Việt Nam vẫn phải thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư cho phát triển. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam sẽ phải “ghi điểm” thế nào với các nhà đầu tư nước ngoài?

Việt Nam chính thức tham gia hội nhập quốc tế mới được hơn 20 năm và sân chơi đầu tiên của Việt Nam là ASEAN. Đến nay, sân chơi đầu tiên đó vẫn là một sân chơi quan trọng nhất của Việt Nam trong không gian kinh tế mới ngày càng mở rộng. Nếu so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực thì Việt Nam đang thuộc nhóm trung bình, xét ở khía cạnh cơ hội và độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Các nước thuộc nhóm trên gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã phát triển ở một trình độ cao hơn, kèm theo đó là mức độ đầu tư cao của doanh nghiệp nước ngoài, cơ hội không còn nhiều cũng như sự hấp dẫn đã gần chạm mức bão hòa. Nhóm trung bình gồm Philippines, Brunei và Việt Nam. Đây là những quốc gia đang phát triển, có nhiều dư địa và cơ hội chín muồi cho đầu tư và kinh doanh, điều quan trọng hơn là có sự mong muốn và chuẩn bị khá kỹ càng để đón nhận các dự án đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ chiến lược.

Phải hiểu rằng, chúng ta có một thách thức không nhỏ để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước thuộc nhóm trên, ví dụ phải mất 16 năm Việt Nam mới có thể bằng được Thái Lan ở thời điểm hiện tại.

Để làm được điều này, Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phải phát triển với tốc độ thật nhanh, bền vững và mong muốn, cũng như sẽ làm mọi việc để Việt Nam ở vị trí số một trong danh sách lựa chọn điểm đến làm ăn của các nhà đầu tư. Vị trí địa lý thì không thể thay đổi, nhưng có thể thay đổi được vị trí trong sự cân nhắc quyết định của các nhà đầu tư. Chúng ta sẽ quyết tâm làm được điều đó.

Sau sân chơi đầu tiên là ASEAN, đến nay quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã không ngừng phát triển một cách sâu rộng. Với những gì đã làm được trong hội nhập và với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã và đang ký kết, thì đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam không có sự khác biệt so với bất kỳ vị trí thuận lợi nào khác trên thế giới và quan trọng hơn nữa là không có bất kỳ rào cản hay trở ngại nào đối với các nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhân tố thuận lợi khác đang bổ sung tích cực cho những cơ hội mà hội nhập đem lại. Việt Nam là quốc gia có sự ổn định về an ninh, chính trị; không có những vấn đề về xung đột sắc tộc hay khủng bố. Hệ thống luật pháp ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế. Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Nhiều tiến trình cải cách, đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam… Với những yếu tố đó, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn tốt để đầu tư, kinh doanh đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cánh cửa đi tới thành công đã mở, các cơ hội đã và đang dần hình thành, lối đi đã rõ, điều kiện đã đủ. Như vậy, không có lý do gì có thể ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài và chúng ta cùng hợp tác và thành công. Và điều này sẽ góp phần quan trọng mang lại sự thịnh vượng cho Việt Nam.

Tin bài liên quan