Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019. Đây là mức tăng đã được dự báo trước, khi mà tháng Một năm nay, có tới hai kỳ nghỉ Tết - Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng mạnh như vậy.
Tháng 1/2020, CPI thậm chí đã tăng tới 6,43% so với tháng 1/2019. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng Một trong 7 năm gần đây.
Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng CPI tháng Một so với tháng trước giai đoạn 2014-2020 lần lượt là: 0,69%; -0,2%; 0%; 0,46%; 0,51%; 0,1%; 1,23%. Còn tốc độ tăng CPI tháng Một so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2014-2020 lần lượt là: 5,45%; 0,94%; 0,8%; 5,22%; 2,65%; 2,56%; 6,43%.
Đây là mức tăng khá cao, đòi hỏi cần chú ý điều hành trong những tháng tới đây, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay mà Quốc hội đã quyết nghị.
Quay trở lại với diễn biến của CPI tháng 1/2020, Tổng cục Thống kê cho biết, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.
Trong đó, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất - 2,29%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán (lương thực tăng 0,79%; thực phẩm tăng khá cao 2,6% làm CPI chung tăng 0,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% làm CPI chung tăng 0,2%).
Trong nhóm hàng này, giá thịt lợn tăng tới 8,29%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,84%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,71%; trứng gia cầm các loại tăng 2,28%; giá quả tươi tăng 2,9%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%, chủ yếu do nhu cầu sửa chữa nhà cuối năm tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,64% và giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,71%; đồng thời giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/1/2020 làm chỉ số giá gas tăng 14,08% (làm CPI chung tăng 0,17%).
Trong khi đó, Nhóm giao thông tăng 0,69%, do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 31/12/2019 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 16/1/2020, làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 1,29%, tác động làm CPI chung tăng 0,05%.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và giá bảo dưỡng phương tiện tăng lần lượt 1,78% và 0,42%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%.
Riêng nhóm bưu chính - viễn thông, giảm 0,03%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do ảnh hưởng của việc đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Anh rời khối Liên minh Châu Âu vào tháng tới, căng thẳng giữa Mỹ và Iran... Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 22/1/2020 tăng 5,1% so với tháng 12/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 1/2020 tăng 4,37% so với tháng trước và tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2020 tăng 0,02% so với tháng 12/2019 và giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2019.