Bùng nổ hoạt động IPO, thoái vốn
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, hơn 400 đợt thoái vốn nhà nước sẽ được triển khai trong giai đoạn từ 2017-2020. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp cũng được tăng tốc với Danh mục 127 doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa trong giai đoạn này theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với việc ban hành danh mục doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020, cơ chế, chính sách của Chính phủ cũng đã có những thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho quá trình này, thông qua việc ban hành Nghị định số 126/2017 về cổ phần hóa và tới đây sẽ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2015.
Những quyết sách từ Chính phủ trong thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải thiện chất lượng quản trị cũng như hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này đang tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trong cổ phần hóa và thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp.
Cũng theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2018 sẽ có 64 doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong đó có một số tổng công ty có giá trị vốn rất lớn như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội... Thị trường đang chờ đợi hàng loạt thương vụ thoái vốn tại các đại gia như Vinamilk, Sabeco…
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Chu Mạnh Hiền, Giám đốc Khối tư vấn, Công ty Chứng khoán Công thương (CTS) cho rằng, Nghị định 126/2017 đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, tháo gỡ các khó khăn doanh nghiệp cổ phần hóa gặp phải trong quá trình triển khai trong thời gian qua.
Chính sách mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mua cổ phần ưu đãi, mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần (nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp) bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp ngay sau khi cổ phần hóa phải đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung (niêm yết hoặc đăng ký giao dịch). Điều này sẽ tiếp tục củng cố niềm tin đối với thị trường cũng như nâng cao chất lượng “hàng hóa” trên sàn niêm yết.
Cơ hội đối với tổ chức tư vấn
Ông Chu Mạnh Hiền cũng cho biết, năm 2017 là năm CTS có sự tăng trưởng mạnh mẽ về hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Doanh thu hoạt động tư vấn 9 tháng đầu năm 2017 đạt 21,9 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với mức doanh thu 16,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016. Số lượng hợp đồng đã ký và hoàn thành đạt gần 100 hợp đồng, với nhiều khách hàng là tổng công ty lớn.
Lợi nhuận 9 tháng từ hoạt động tư vấn đạt hơn 16 tỷ đồng. Theo ước tính, doanh thu hoạt động tư vấn năm 2017 có thể đạt gần 50 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt trên 30 tỷ đồng. Tổng giá trị thu xếp vốn trong các thương vụ đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Ông Hiền cũng nhận định, năm 2018 là năm rất thuận lợi cho các nhà tư vấn tài chính. Cụ thể là trong năm tới sẽ có những đợt thoái vốn cực lớn với quy mô lên đến hàng tỷ đô la, các doanh nghiệp được cổ phần hóa cũng có nhiều tổng công ty lớn, qua đó sẽ thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước như đã nêu trên, các CTCK sẽ có cơ hội rất lớn, đặc biệt là cơ hội về cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn và tìm đối tác.
Đối với CTCK VietinBank, Công ty đã và đang tiếp tục tận dụng thế mạnh của mình để đẩy mạnh mảng dịch vụ tài chính doanh nghiệp, hoạt động tư vấn cổ phần hóa, tư vấn niêm yết, phát hành trái phiếu và thu xếp vốn…
Công ty cũng triển khai hàng loạt dịch vụ như tư vấn phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp trọn gói. Tuy nhiên, Giám đốc Khối tư vấn của CTS cũng cho rằng, để tận dụng được cơ hội trên, các công ty chứng khoán cần phải tạo ra sự khác biệt và thế mạnh của riêng mình.
Với tư duy đó, CTS đã chuẩn bị đội ngũ nhân sự tư vấn có chất lượng cao, có kinh nghiệm tư vấn và tăng cường mối quan hệ với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để sẵn sàng phục vụ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian tới.