Việc triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua NHNN là bước đột phá trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế

Việc triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua NHNN là bước đột phá trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế

Thăng hạng thị trường, chặng đường không xa

(ĐTCK) Những ngày cuối năm 2017, tăng trưởng GDP cán đích 6,81% theo thông báo của Tổng cục Thống kê, mức cao nhất kể từ năm 2011. Kết quả này thật sự ấn tượng khi quý I mức tăng trưởng mới chỉ đạt 5,2%. 

Nền kinh tế đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Những thành quả tăng trưởng này là nhờ Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt theo hướng vừa thúc đẩy cải cách chiều rộng, vừa cải thiện môi trường kinh doanh, để nâng cao tính thị trường, huy động nhiều nguồn lực hơn cho phát triển. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.      

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán 2017 cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất tại khu vực châu Á. Tính đến ngày 19/12/2017, chỉ số VN-Index đạt 951,42 điểm, tăng 43% so với cuối năm 2016 – mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 111,61 điểm, tăng 41,5% so với cuối năm 2016. Tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016…

TS. Tạ Thanh Bình

Thị trường chứng khoán phái sinh dù mới được triển khai hơn 4 tháng (từ ngày 10/8/2017) nhưng đã có sự tăng trưởng lớn về cả khối lượng hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch đạt 946.326 hợp đồng, tương ứng với tổng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 80.899 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/ngày và giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 889 tỷ đồng/phiên...

Chính sách gắn cổ phần hóa với niêm yết đã giúp cho quy mô thị trường chứng khoán tăng trưởng ấn tượng. Năm 2017, mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360.000 tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.

Hai sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức 68 phiên đấu giá với tổng giá trị gần 14.800 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 91%; trong đó 17 đợt đấu giá cổ phần hóa  (IPO) với tổng giá trị đạt gần 2.200 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 82%; 51 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị đạt hơn 12.600 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 92%; trong đó nhiều đợt đấu giá được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...

***

Đạt được những thành tựu tốt về tăng trưởng, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm thị trường cận biên và chưa được xem xét trong nhóm danh sách thị trường tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI.

Vấn đề không nằm ở những tiêu chuẩn mang tính định lượng, bởi chúng ta đã có nhiều hơn 3 công ty (như Vinamilk, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Vingroup…) thỏa mãn các điều kiện về quy mô công ty (giá trị vốn hóa) 1.269 triệu USD; giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng 635 triệu USD; thanh khoản của cổ phiếu bình quân hàng năm (ATVR) đạt 15% giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng.

Trong những năm tiếp theo, sẽ có thêm nhiều công ty đạt tiêu chuẩn nhờ xu hướng nới trần tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa và tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, tạo ra sự tăng trưởng về quy mô của thị trường và cơ hội lớn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sang năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Vinapaco, Mobifone và hàng loạt doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện.

Năm 2019, dù kế hoạch cổ phần hóa dự kiến chỉ 18 doanh nghiệp nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV)...

Và thực tế là dù đang được xếp hạng là thị trường cận biên theo tiêu chuẩn của MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có quy mô vốn hóa (nếu tính cả thị trường UPCoM) vượt cả các thị trường được xếp hạng cao hơn (thị trường mới nổi) như Qatar, Pakistan. Số lượng công ty niêm yết có giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trên 1 triệu USD, nhiều hơn gấp đôi so với Pakistan.

Để được nâng hạng, các yếu tố định tính mới là vấn đề mà MSCI đánh giá chúng ta cần tiếp tục cải thiện. Các yếu tố đó, theo MSCI, bao gồm: Độ mở và thủ tục tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài; các quy định liên quan đến giao dịch như cho vay chứng khoán và bán khống...

Đây cũng chính là các vấn đề cơ quan quản lý đã nhận thấy và nỗ lực giải quyết. Các thành viên thị trường chính là những người cảm nhận được khá rõ sự quyết tâm đó (nhiều chính sách đã được triển khai như giới hạn sở hữu nước ngoài đã có sự cải thiện nhờ Nghị định 60/2015/NĐ-CP, cải thiện công bố thông tin khi nhiều doanh nghiệp đã thực hiện và được khuyến khích thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh; giảm thiểu thủ tục tiếp cận thị trường qua hình thức đăng ký mã số giao dịch trực tuyến...).

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường, nghiên cứu triển khai các sản phẩm mới như sản phẩm quyền chọn, chứng quyền có bảo đảm..., đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở; nghiên cứu triển khai giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về...

Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn sẽ được tiếp tục hoàn thiện mà trọng tâm là việc sửa Luật Chứng khoán (dự kiến hoàn thành trong năm 2019). Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán.

Mặt khác, những nội dung như quản trị công ty, công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn, lập và công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế; nâng cao điều kiện công ty đại chúng... sẽ được xem xét để quy định phù hợp, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.

Tuy vậy, vẫn có nhiều yếu tố cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; giảm thiểu sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư quốc tế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... là những công việc cần sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Một nhân tố nữa là động lực nâng hạng thị trường phải kể đến, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin, làm quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững mới trở thành hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng. Và ngược lại, việc nâng hạng sẽ tác động tích cực trở lại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh.

Có thể thấy, nâng hạng thị trường chứng khoán là một quá trình, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cả hệ thống chính trị để tạo ra những thay đổi mang tính tổng thể và bền vững.

Với diễn biến tích cực từ các thị trường chứng khoán trên thế giới được nâng hạng trong thời gian qua như Trung Quốc, Argentina, Venezuela hay UAE, Qatar, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo tiêu chuẩn của MSCI đã và đang là chủ điểm thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành viên thị trường.

Sự quan tâm thể hiện một mong muốn chung của các chủ thể: Thị trường chứng khoán Việt Nam bước lên nấc thang đánh giá cao hơn để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn vào doanh nghiệp, vào thị trường. Đó là đích đến, nhưng quá trình nỗ lực để thay đổi, cải thiện những điểm còn hạn chế của thị trường, nâng tầm chất lượng, nội lực của thị trường cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam với sức hấp dẫn riêng có, các cơ hội từ việc thoái vốn, cổ phần hóa và tiềm năng phát triển về kinh tế, sẽ được nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn thì việc nâng hạng chắc chắn là một con đường không xa.

Tin bài liên quan