Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Phúc khẳng định, tinh thần cầu thị và lắng nghe doanh nghiệp của chính quyền đã giúp Vĩnh Phúc thăng hạng về năng lực cạnh tranh.
Theo dõi kết quả xếp hạng PCI trong 11 năm qua, có thể thấy, Vĩnh Phúc khá thăng trầm trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Ông đánh giá thế nào về chặng đường này?
Năm 2007, Vĩnh Phúc nằm trong Top 7 xếp hạng PCI, năm 2008 vươn lên lọt vào Top 3, đến năm 2010 và 2011 lại tụt xuống thứ 15 và thứ 17, rồi lại quay về Top 10 vào năm 2012. Đến năm 2013, Vĩnh Phúc lại “rơi tự do” xuống vị trí thứ 43/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đây thực sự là một cú sốc lớn đối với lãnh đạo tỉnh nói riêng và các cơ quan quản lý tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Bản thân Hiệp hội doanh nghiệp chúng tôi cũng rất sốc trước kết quả này.
Vậy, chính quyền địa phương đã làm gì để cải thiện tình trạng này, thưa ông?
Lãnh đạo tỉnh thực sự rất băn khoăn, trăn trở tìm nguyên nhân vì sao mà lại tụt dốc quá sâu vậy. Các cấp các ngành đã quyết liệt vào cuộc ngay với quyết tâm phục hồi bằng mọi cách. Lãnh đạo tỉnh liên tục có những cuộc họp, chuyên đề, gặp trực tiếp các DN để tìm hiểu khó khăn vướng mắc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.
Đến giữa năm 2013, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, căn cứ vào đề án này các cơ quan ban, ngành, UBND các huyện thị xã tìm các phương án đẩy nhanh tốc độ cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư.
Để các nhà đầu tư có thể cảm nhận môi trường đầu tư địa phương được cải thiện, trong đề án cũng quy định rõ công việc cụ thể các sở, ban, ngành chức năng cần làm.
Cụ thể, tỉnh đã có chương trình hành động gì để giải quyết các vấn đề khó khăn của DN?
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, cứ mỗi quý, Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc trực tiếp đi khảo sát từ 50 – 90 DN trên địa bàn để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà DN phản ánh cũng như đề xuất và nguyện vọng, mong muốn của DN về cải thiện cơ sở hạ tầng như cấp điện, cấp nước, đường sá, cho tới các chính sách vĩ mô, vi mô, đồng thời tìm hiểu đánh giá cảm nhận của DN về năng lực và chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Tất cả những thông tin phản ánh từ DN, chúng tôi đều phản hồi ngay lại cho chính quyền tỉnh để có hướng giải quyết khẩn trương. Nếu có bất cứ khó khăn vướng mắc gì từ cấp sở, ban, ngành, UBND tỉnh sẽ ra ngay thông báo cụ thể yêu cầu các sở ngành giải quyết luôn trong khả năng có thể. Trước những đòi hỏi về thủ tục hành chính cần phải nhanh cho DN và nhà đầu tư, tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến và thu hút đầu tư làm đầu mối để giải đáp và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư trong thời gian ngắn nhất.
Đặc biệt, chính quyền tỉnh giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các DN đang gặp khó khăn vướng mắc, đều đặn hàng tuần lãnh đạo tỉnh sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các DN này để lắng nghe ý kiến và có những sự chỉ đạo kịp thời đến các cơ quan sở, ngành có chức năng.
Mô hình kết nối chính quyền – DN qua cơ quan trung gian có hiệu quả hơn là tỉnh trực tiếp đối thoại với DN, thưa ông?
Tôi nghĩ là có. Thực tế cho thấy, trước đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối thoại trực tiếp với các DN, nhưng các DN lại không dám nói. Sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp thành lập và được tỉnh giao nhiệm vụ là đại diện cho tiếng nói của DN, phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh thu thập và phản ánh tình hình của DN cho chính quyền, các DN rất phấn khởi đón nhận và cởi mở phản ánh.
Điều này giúp giải quyết rất hữu hiệu khó khăn, vướng mắc cho các DN. Tuy vậy, cũng có một số trở ngại ban đầu, có những giám đốc sở, ban ngành khi nghe đi điều tra để nắm bắt trực tiếp đánh giá từ DN thì rất bức xúc, nhưng sau khi được phân tích về hiệu quả đóng góp của việc này cho sự phát triển của tỉnh, các sở ngành đều ủng hộ quan điểm của chính quyền và Hiệp hội.
Ví dụ điển hình cho sự thành công của mô hình này là sau khi lắng nghe những phản ánh về nỗi khổ của DN về thanh tra kiểm tra, các sở, ban, ngành đã rất thống nhất chủ trương liên ngành cùng xuống kiểm tra DN khi có yêu cầu, chứ không để mỗi đơn vị kiểm tra riêng rẽ để giảm bớt các đoàn kiểm tra xuống các DN. Đây có thể nói là những chuyển biến rất tích cực, được DN phấn khởi ghi nhận và đánh giá cao.