Doanh nghiệp thép khởi động trở lại
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hồng Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thép Việt Ý (VIS) cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường thép đã sôi động trở lại. Cụ thể, tại Hà Nội, giá thép cây xây dựng hiện nay đang giao dịch với mức giá 13.600 - 13.700 đồng/kg do trữ lượng tồn kho của các nhà máy thấp, trong khi nhu cầu tăng cao trong mùa xây dựng.
Ông Khuê nhận định, tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2018 nhìn chung rất lớn và năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước. Đối với VIS, Công ty đã trở lại hoạt động từ mùng 6 Tết và cán bộ, công nhân viên cũng bắt nhịp rất nhanh với công việc sau một tuần nghỉ Tết.
Trong năm 2018, VIS sẽ thực hiện đầu tư nhà máy luyện phôi công nghệ lò điện cảm ứng công suất 500.000 tấn/năm tại Hưng Yên với tổng mức đầu tư 464,79 tỷ đồng, cải tạo nâng công suất dây chuyền cán thép tại Hưng Yên và chuyển đổi công nghệ sản xuất phôi thép từ lò điện hồ quang sang lò điện cảm ứng tại Hải Phòng.
CTCP Thép Việt Đức - VG Pipe (VGS) cũng cho biết, Công ty đã quay trở lại với nhịp độ sản xuất trước Tết. Áp lực của VGS trong năm 2018 là vượt qua mức doanh thu 5.980 tỷ đồng mà Công ty đạt được trong năm 2017, bởi đây là năm Công ty ghi nhận mức tăng doanh thu kỷ lục, lợi nhuận vượt 11% chỉ tiêu với hơn 71 tỷ đồng.
Lãnh đạo VGS cũng cho biết, năm 2018 tiếp tục là một năm tích cực với ngành thép khi nhu cầu thép tăng cao trong khu vực.
Doanh nghiệp dệt may ra quân sớm
Ngành dệt may nhiều năm nay vốn có “truyền thống” khởi động lại sản xuất sau Tết khá muộn. Lý do là ngành này sử dụng lực lượng lao động lớn từ các vùng nông thôn nên cần cho công nhân nghỉ dài ngày về quê đón Tết. Nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại cùng thời điểm với các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước.
Thậm chí, Tổng công ty May 10 (M10) đã “ra quân” sản xuất ngay từ ngày mùng 5 Tết, sớm hơn so với nhiều doanh nghiệp. Hơn 11.000 cán bộ công nhân viên của Tổng công ty tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bắt tay vào sản xuất những lô hàng xuất khẩu đầu tiên của năm mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm 2018 với tinh thần khẩn trương ngay từ quý đầu năm.
Trong khi đó, tại CTCP May Sài Gòn (GMC), ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, do doanh nghiệp có tính chất đặc thù, nhiều công nhân ở xa nên các năm trước, Công ty thường cho Công nhân nghỉ Tết dài hơn so với nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, năm nay, một số nhà máy của Công ty đã đi vào làm việc sớm hơn để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Các nhà máy của VHC đã chính thức hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết để tận dụng cơ hội từ thị trường
“Quý I hàng năm thường là giai đoạn thấp điểm trong chu kỳ sản xuất của GMC, tuy nhiên năm 2018 nhu cầu thị trường tăng cao cộng thêm thời tiết thuận lợi nên GMC đã sớm chốt đầy đủ đơn hàng giai đoạn này, đảm bảo hoạt động cho 4.300 công nhân. Công ty cũng đã nhận được đơn hàng cho đến tháng 8/2018”, ông Hùng nói và cho biết thêm, dự kiến doanh thu năm 2018 của Công ty là 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 70 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thủy sản tăng tốc
Ngành thủy sản, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng đã có một năm ghi nhận kỷ lục về giá trị xuất khẩu, cán mốc hơn 8,3 tỷ USD, tăng 18,7% so với 2016.
Kết quả này theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngoài nguyên nhân thị trường ấm dần lên thì còn có nguyên nhân chính là sự cải thiện trong năng lực đánh bắt, nuôi trồng, khâu tổ chức chế biến, sự linh hoạt của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bước sang năm 2018, thị trường xuất khẩu thủy sản tiếp tục có những dấu hiệu tích cực. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 669,7 triệu USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của toàn ngành thủy sản trong năm nay là đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.
Trong bối cảnh thuận lợi chung, bà Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết, các nhà máy của Công ty đã chính thức hoạt động trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết. Năm nay, VHC đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 350 triệu USD và lợi nhuận đạt 650 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017.
Lãnh đạo VHC cho biết, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc năm 2017 đạt gần 1,8 tỷ USD. Trong đó, Vĩnh Hoàn đứng đầu trong Top 10 công ty xuất khẩu lớn nhất vào các thị trường này, chiếm thị phần lớn nhất với 15%. Trong đó, riêng doanh thu từ các sản phẩm collagen và gelatin dự kiến đạt khoảng 10 triệu USD. Mảng collagen, gelatin và các sản phẩm giá trị gia tăng dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2018.
CTCP Hùng Vương (HVG), doanh nghiệp đứng thứ hai về thị phần xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, châu Âu (sau VHC) cũng cho biết, Công ty đang tiến hành tái cơ cấu để đạt được mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn khoảng 10.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 300 triệu USD từ cá và tôm, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng trong năm 2018. Năm 2017 là một năm không tích cực của HVG khi “vua cá tra” một thời báo lỗ tới hơn 424 tỷ đồng trong niên độ kế toán 2016 - 2017.
Ngay trong những ngày đầu năm mới này, HVG đã hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) và thanh lý mảnh đất tại số 765 Hồng Bàng, TP.HCM. Năm 2018, HVG đặt kế hoạch doanh số toàn Tập đoàn khoảng 10.000 tỷ đồng, đến từ xuất khẩu, kinh doanh nông sản (bã nành, cám, khoai mì…) nội địa và thoái vốn đầu tư.
“Đã không còn tồn tại quan điểm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” tại công ty chúng tôi. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngoài việc duy trì tập tục truyền thống cũng là thời điểm người lao động nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng nếu nghỉ ngơi dài ngày người lao động sẽ bị trì trệ, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp”, Giám đốc một doanh nghiệp niêm yết cho biết.
Quý I hàng năm trùng với kỳ nghỉ lễ dài, sau đó là tâm lý nghỉ ngơi vào mùa lễ hội khiến đây là giai đoạn thấp điểm về tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ về việc các ngành, các cấp, các đơn vị nhanh chóng bắt tay và công việc và sự khởi động tích cực từ nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành sản xuất, kỳ vọng 2018 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp và nền kinh tế.