Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, khi thị trường chứng khoán phát triển lên mức cao hơn, giới đầu tư không chỉ kỳ vọng doanh nghiệp công bố những thông tin bắt buộc theo quy định, mà càng có nhiều thông tin càng tốt. Do đó, trong tương lai, chỉ những doanh nghiệp nào chủ động công bố thông tin thường xuyên mới hy vọng lọt vào “mắt xanh” của công chúng đầu tư.
Cơ sở pháp lý quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán được thực hiện theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, với đối tượng điều chỉnh khá rộng, bao gồm công ty đại chúng, tổ chức phát hành trái phiếu, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán… và các đối tượng có liên quan khác. Tuy nhiên, nhận thức về trách nhiệm công bố thông tin còn rất mờ nhạt trong cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua, cơ quan chức năng thường xuyên “bận rộn” với việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc công bố thông tin.
Có thể liệt kê một loạt công ty vi phạm bị xử lý trong tháng 9 vừa qua. Trong số này có những tên tuổi như CTCP Thủy Tạ (phạt 85 triệu đồng), CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (phạt 85 triệu đồng), CTCP Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai (85 triệu đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành (70 triệu đồng), CTCP Văn hóa Phương Nam (70 triệu đồng), Công ty TNHH Bất động sản Công Minh (85 triệu đồng)… Gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 100 triệu đồng đối với CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật do không công bố một số thông tin, tài liệu theo quy định. Vi phạm của công ty này thậm chí còn có yếu tố tăng nặng do vi phạm lặp lại nhiều lần.
Không chỉ xử phạt tiền, để tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan quản lý còn áp dụng nhiều biện pháp bổ sung khác, như bêu tên doanh nghiệp vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp phải làm rõ trách nhiệm cá nhân gây ra sai phạm… Những biện pháp này tuy đã có kết quả bước đầu, nhưng về lâu dài, chưa hẳn đã bền vững và toàn diện.
Chính người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng từng chia sẻ, xử phạt vi phạm hoặc áp dụng các biện pháp hành chính là việc “bất đắc dĩ”. Về lâu dài, cơ quan quản lý đang phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu xây dựng hệ thống luật chứng khoán thế hệ thứ hai, theo tinh thần xây dựng luật hướng tới việc khuyến khích mô hình quản trị tốt, tự nguyện công bố thông tin từ phía doanh nghiệp.
Mong muốn của cơ quan quản lý là trong tương lai có thể bỏ việc cấp phép phát hành chứng khoán ra công chúng. Thay vào đó là xây dựng quy chuẩn cho doanh nghiệp để có thể phát hành trên cơ sở dữ liệu về lịch sử công bố thông tin của họ. Đây là định hướng được cộng đồng hoan nghênh, đón nhận và công chúng đang mong chờ hành động cụ thể từ cơ quan quản lý trong thời gian tới.
Về phía nhà đầu tư, hơn ai hết, họ chính là những người có ý thức và trách nhiệm lớn nhất đối với túi tiền của mình. Do đó, bản thân nhà đầu tư phải tự trang bị kiến thức để nhận định được đâu là những doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, có mô hình quản trị tốt, có ý thức trong quan hệ nhà đầu tư… Khi đó, không riêng gì công ty đại chúng, mà những doanh nghiệp nào mập mờ trong công bố thông tin, hoạt động sản xuất kinh donah theo kiểu chụp giật, “hớt váng”, không nỗ lực cải thiện, nâng cao trình độ quản trị... sớm muộn cũng sẽ bị thị trường đào thải.