Tháng 8 và tháng 9 là thời điểm rủi ro nhất của thị trường chứng khoán Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước khi các nhà đầu tư quá hưng phấn về đợt tăng giá của cổ phiếu trong tháng 7, đây là điều cần lưu ý: Tháng 8 và tháng 9 lịch sử là hai tháng tồi tệ nhất trong năm đối với chỉ số S&P 500.
Tháng 8 và tháng 9 là thời điểm rủi ro nhất của thị trường chứng khoán Mỹ

Bất chấp mức tăng 12,6% từ mức thấp 3.666,77 điểm vào ngày 16/6, chỉ số S&P 500 có thể phải đối mặt với một đợt căng thẳng ngay sau khi vừa có tháng tích cực nhất kể từ tháng 11/2020.

Các nhà quản lý danh mục đầu tư đang tranh luận liệu thị trường có thể duy trì mức tăng gần đây hay không khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trên đà tăng lãi suất và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phát đi những tín hiệu suy thoái đáng lo ngại.

Hiệu suất của chỉ số S&P 500 trong tháng 8 và tháng 9 qua các năm.
Hiệu suất của chỉ số S&P 500 trong tháng 8 và tháng 9 qua các năm.

Lịch sử Phố Wall cho thấy rằng tháng 10 là tháng nguy hiểm nhất đối với thị trường chứng khoán vì những cuộc khủng hoảng vào các năm 1929, 1987 và 2008. Nhưng tháng 8 và tháng 9 lại thực sự tồi tệ hơn, vì đây là thời điểm chỉ số S&P 500 thường xuyên sụt giảm, với mức giảm trung bình của S&P 500 trong tháng 8 và tháng 9 lần lượt là 0,6% và 0,7% trong 25 năm qua.

Ngoài các xu hướng lịch sử, một yếu tố khác mà thị trường phải phải đối mặt trong năm nay là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Thị trường chứng khoán có xu hướng gặp khó khăn vào những năm ở đoạn đầu giữa nhiệm kỳ do tiềm năng thay đổi chính sách ở Washington, nhưng sau đó sẽ phục hồi vào cuối năm khi có kết quả chính thức.

Quý III năm nay là thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ nên sẽ có xu hướng biến động mạnh nhất trong chu kỳ bốn năm của tổng thống. Theo công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, kể từ năm 1944, quý III có mức giảm trung bình là 0,5%, mức giảm lớn thứ hai sau mức giảm trung bình 1,9% của quý II.

Tuy nhiên, theo Bank of America, chỉ số S&P 500 có thể sẵn sàng tăng thêm sau đợt tăng 9% vào tháng 7. Kể từ năm 1928, chỉ số này tăng ít nhất 5% vào tháng 7, các mức tăng trung bình của tháng 8 và tháng 9 là 2% và 0,7%.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa phân biệt được thị trường chứng khoán sẽ đi về đâu từ thời điểm hiện tại. Jonathan Krinsky, nhà phân tích thị trường tại BTIG tin rằng, thị trường chứng khoán đang trải qua một đợt phục hồi ngược xu hướng và đã sẵn sàng cho một mức thấp hơn nữa trong tháng 8 và tháng 9.

Điều đó lặp lại quan điểm của Morgan Stanley và Goldman Sachs với nhận định rằng, cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ rủi ro suy thoái. Trong khi đó, JP Morgan lại nhìn thấy triển vọng tươi sáng hơn dựa trên kỳ vọng rằng suy thoái kinh tế nhẹ đã được định giá vào cổ phiếu.

“Phố Wall đã quá chú trọng vào khả năng xảy ra suy thoái, nhưng giờ đây, câu chuyện đã nhanh chóng chuyển sang kỳ vọng rằng lạm phát có thể đạt đến đỉnh điểm. Các nhà đầu tư cần thêm dữ liệu kinh tế trong hai tháng tới để xác nhận những gì các nhà đầu tư đang định giá”, Yung-Yu Ma, trưởng chiến lược gia đầu tư tại BMO Wealth Management cho biết.

Tin bài liên quan