Chứng khoán vốn là một thị trường rất nhạy cảm, tại mọi thời điểm, diễn biến giá cổ phiếu luôn bị chi phối bởi tác động của nhiều yếu tố bên ngoài.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, TTCK được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố.
Về vĩ mô, nền kinh tế tháng 8 nói riêng, những tháng cuối năm nói chung sẽ nhận nhiều sự hỗ trợ tích cực, để hướng về đích tăng trưởng cao cuối năm.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm nhờ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ giúp dòng chảy vốn chảy nhiều hơn vào hoạt động sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trên TTCK, nhiều doanh nghiệp có kết quả 6 tháng khả quan. Các doanh nghiệp có mã cổ phiếu là SMC, QNS, SHS, CII, PIC, VRG, TCT, CMC... đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2017.
Khối doanh nghiệp quy mô lớn trên sàn, nhất là khối ngân hàng, đã công bố kết quả 6 tháng đạt cao hơn kế hoạch. Đây là những yếu tố hỗ trợ bền vững cho sự sôi động của giá cổ phiếu trên sàn.
“Thị trường vẫn đang trong giai đoạn giá lên (bull market). Đặc biệt là sau diễn biến điều chỉnh diễn ra tháng 7, thị trường sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục trong tháng 8 để hướng đến các mức điểm cao hơn, có thể đến 780-790 điểm”, ông Hiển nhận định.
Ông Hiển cũng cho biết, thống kê diễn biến thị trường tháng 8 giai đoạn 2009-2016 cho thấy, xác suất cân bằng, có 4 năm tăng điểm và 4 năm giảm điểm
Cũng nhận định về TTCK tháng 8, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK Maritime (MSI) đánh giá, nếu định giá theo chỉ số giá trên thu nhập (P/E) thì TTCK Việt Nam hiện đã vượt mức 16,6 lần (trong khi TTCK Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc có P/E quanh mức 16 lần). Đây là mức không còn rẻ, trong khi thị trường đang chịu áp lực chốt lời cao từ nhiều nhà đầu tư để cơ cấu lại danh mục. Theo quan điểm này, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn không còn nhiều.
“Mức tăng của VN-Index đã phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư trong năm 2017. Chưa kể, nhiều người có tâm lý cho rằng, 'tháng Ngâu' rơi vào tháng 8, sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhiều nhà đầu tư”, ông Cường nhận định.
Cũng đánh giá về triển vọng thị trường, một số ý kiến khác cho rằng, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng, cao su tự nhiên, vật liệu xây dựng, bất động sản được đánh giá khả quan. Trong khi nếu xét về trung và dài hạn, nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhóm ngành phân phối bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, lĩnh vực dịch vụ tiện ích… được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối 2017 và đầu năm 2018.
Các quan điểm lạc quan nhận định, về tổng quan, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện ở mức 16,5 lần, nhưng nếu loại trừ một số mã cổ phiếu như ROS, SAB, BHN thì hiện chỉ ở mức 15,4 lần. Đây là mức thấp so với chính TTCK Việt Nam trong một, hai năm trước và so với các thị trường lân cận (Indonesia 24,9 lần; Philippines 21,5 lần…). Cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều.
Với nhà đầu tư, vì diễn biến thị trường rất đa dạng nên thật khó để có một câu trả lời chung là giá cổ phiếu hiện nay đắt hay rẻ. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm đã chứng kiến không ít mã tăng giá 30-50%, có một số mã đã tăng 100%. Cơ hội đầu tư luôn rộng mở khi sàn niêm yết có trên 700 loại hàng hóa, sàn UPCoM có trên 500 loại.
Bên cạnh đó, cuối năm là giai đoạn diễn ra nhiều hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, với những công ty lớn được dự báo sẽ chào bán cổ phần như PV Power, PV Oil, Vinafood 2, Vinamilk, Sabeco, Habeco, Satra… TTCK tháng 8 nói riêng, 5 tháng cuối năm nói chung, có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, còn chọn mua hàng gì, mua lúc nào, sẽ phụ thuộc vào năng lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro của mỗi người.