Tháng 7, “đi săn” doanh nghiệp trả cổ tức

Tháng 7, “đi săn” doanh nghiệp trả cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 cùng giãn cách xã hội khiến cao điểm mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2020 đến muộn và chu kỳ trả cổ tức của các doanh nghiệp cũng muộn theo. Cuộc săn cổ tức năm nay giờ mới bắt đầu nhộn nhịp. 

Gần 100 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức

Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS) vừa công bố chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 258% mệnh giá (25.800 đồng/cổ phiếu), ngày đăng ký cuối cùng là 17/7/2020 và dự kiến thanh toán vào 31/7/2020.

Như vậy, chỉ hơn 1 tháng sau ĐHCĐ thường niên 2020 được tổ chức vào ngày 25/6 - muộn hơn 2 tháng so với những năm trước, cổ đông WCS đã nhận được phân nửa cổ tức được Đại hội thống nhất chi trả, phần còn lại dự kiến sẽ được thanh toán vào tháng 10/2020.

Tại ĐHCĐ năm nay, WCS đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 516% bằng tiền, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu về trả cổ tức cao nhất trên sàn chứng khoán.

Trước đó, Công ty trả cổ tức 400% trong năm 2019. Với số dư tiền và tiền gửi các loại lên đến 240 tỷ đồng đến cuối quý I/2020, không có vay nợ và nhu cầu đầu tư không đáng kể, khả năng chi trả cổ tức của WCS được đảm bảo.

Thống kê sơ bộ đến ngày 4/7, có gần 100 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch công bố thông tin về việc chốt quyền chi trả cổ tức cho cổ đông trong tháng 7.

Trong bối cảnh đà tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường đang có tín hiệu chững lại sau thời gian hồi phục trong quý II, thông tin về việc chi trả cổ tức được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu, nhất là khi kết quả kinh doanh quý II và bán niên của không ít doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau được dự báo sụt giảm.

Nếu như với nhà đầu tư dài hạn, cổ tức là nguồn thu nhập chính sau cả năm nắm giữ thì với những nhà đầu tư lướt sóng, đây cũng là thông tin hấp dẫn đem đến cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ việc tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Săn tin cổ tức không phải là chiến thuật mới của nhà đầu tư. “Năm nay có chia cổ tức không, tỷ lệ chia bao nhiêu, bằng tiền hay cổ phiếu…” là những câu hỏi quen thuộc trước thềm ĐHCĐ và giúp cổ phiếu tạo sóng ngay khi các tài liệu đại hội được công bố, đến khi doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tiếp tục tạo sóng thêm một lần nữa.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu WCS tăng sát mức trần ngay trong phiên 3/7 khi thông tin chốt quyền cổ tức được công bố, ghi nhận mức tăng tổng cộng gần 10% chỉ trong 3 phiên đầu tháng 7, sau khi duy trì trạng thái điều chỉnh trong suốt hạ tuần tháng 6. Trước đó, giá cổ phiếu này tăng 38% khi doanh nghiệp công bố tài liệu đại hội.

Hay giá cổ phiếu Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) tăng kịch biên độ trong phiên 3/7 khi doanh nghiệp công bố kế hoạch chi trả cổ tức, sau khi diễn biến giá trải qua giai đoạn giằng co trong phần lớn tháng 6. Tích cực cũng là diễn biến ghi nhận tại nhiều cổ phiếu khác như VCI, NCT, DGW… trong những phiên đầu tháng 7, sau khi thông tin về việc trả cổ tức được công bố.

Tháng 7, “đi săn” doanh nghiệp trả cổ tức ảnh 1

Chiến thuận lướt sóng cổ tức có thể bắt đầu từ việc sàng lọc những doang nghiệp năm vừa qua có lợi nhuận tốt, doanh nghiệp càng vượt kế hoạch thì càng có khả năng đột phá về cổ tức.

Sau đó là hướng đến những doanh nghiệp có dòng tiền tốt, nguồn lực dự trữ dồi dào nhưng chưa có dự án triển khai đầu tư lớn, hoặc dòng tiền đầu tư nhỏ so với nguồn lực. Cuối cùng là doanh nghiệp có lịch sử chi trả đều đặn hàng năm, có khả năng duy trì chính sách cổ tức cao.

Dự đoán doanh nghiệp có cổ tức, tiếp đó là nắm bắt được thời điểm về tin tức được đưa ra thị trường có thể mang lại cơ hội thu lời cho các nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Trước mùa đại hội, nhà đầu tư tìm kiếm doanh nghiệp nào sẽ chốt phương án trả cổ tức cao, còn sau ĐHCĐ là tìm câu trả lời khi nào cổ tức sẽ được chi trả để đi trước đón đầu.

Cổ tức cao, chưa hẳn đáng mừng

Cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá mức độ hấp dẫn của cổ phiếu, cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm tới cổ tức mà lơ là đánh giá triển vọng của doanh nghiệp thì nhà đầu tư khó có thể kiếm lời từ chênh lệch giá cổ phiếu. Mặt khác, trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm nay của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, việc trả cổ tức cao bằng tiền mặt thậm chí có thể “lợi bất cập hại”.

Trở lại câu chuyện của WCS, mặc dù tiếp tục trả cổ tức “khủng”, nhưng phần lợi nhuận này chủ yếu có được từ việc Công ty tích lũy lợi nhuận từ những năm trước, chứ không phải do lợi nhuận tăng cao.

Cụ thể, trong năm 2018, WCS đạt 66,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi, đầu tư phát triển và thưởng Ban điều hành 24,9 tỷ đồng theo phương án phân phối lợi nhuận đã được ĐHCĐ thông qua, phần lợi nhuận còn lại là 41,6 tỷ đồng, trong khi Công ty trả cổ tức 100 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,4 lần.

Trong năm 2019, WCS đạt 68,65 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ĐHCĐ thống nhất trích 13,73 tỷ đồng (20% lợi nhuận) cho Quỹ đầu tư phát triển, 10,93 tỷ đồng (15,9% lợi nhuận) cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và 321 triệu thưởng Ban điều hành.

Như vậy, phần 129 tỷ đồng trả cổ tức gấp 2,95 lần phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ. Dự kiến, sau đợt phân phối này, lợi nhuận tích lũy những năm trước của WCS sẽ cạn kiệt.

Tại ĐHCĐ 2020, WCS đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 130,1 tỷ đồng, giảm 17%; lợi sau thuế 53,6 tỷ đồng, giảm 21,9% so với thực hiện năm 2019.

Bởi lẽ, năm nay, Công ty nhận định điều kiện kinh doanh khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kể từ giữa tháng 3/2020, hành khách qua bến giảm sâu, các doanh nghiệp vận tải phải giảm chuyến, thậm chí dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Trong quý đầu năm, doanh thu của WCS giảm 4,4%, lợi nhuận sau thuế giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, chưa tính đến yếu tố dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thì khả năng trả cổ tức cao trong những năm tới của WCS không được đánh giá cao, bởi triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Công ty bị hạn chế do “Bến xe miền Tây đã hoạt động hết công suất, trong khi giá dịch vụ theo quy định của UBND TP.HCM không thay đổi, khiến doanh thu các mảng dịch vụ của bến xe ổn định” - báo cáo phân tích tháng 10/2019 của Công ty Chứng khoán FPT cập nhật về WCS.

Trong bối cảnh đó, việc trả cổ tức tương đương đến 54% số dư tiền và tiền gửi các loại của WCS đến cuối quý I/2020 dự kiến sẽ khiến doanh thu tài chính, cụ thể là lãi tiền gửi vốn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty, giảm trong thời gian tới.

Trong năm 2019, phần thu nhập này đóng góp đến 27,9% lợi nhuận sau thuế của WCS.

Rõ ràng, cân bằng giữa việc chi trả cổ tức để đảm bảo quyền lợi cổ đông và dành nguồn lực tài chính phục vụ mục tiêu tăng trưởng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp duy trì chính sách chi trả cổ tức cao và việc tính toán tỷ suất cổ tức để so sánh với cổ phiếu khác hay kênh đầu tư khác trước khi ra quyết định đầu tư mới thực sự có ý nghĩa.

Lưu ý, đối với doanh nghiệp không có tiềm năng tăng trưởng, việc nhận cổ tức có thể khiến nhà đầu tư chịu thiệt, bởi trong khi giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh tương ứng theo tỷ lệ chi trả cổ tức vào ngày giao dịch không hưởng quyền thì khoản cổ tức trước khi về đến tài khoản còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân (5% số cổ tức được nhận).

Tin bài liên quan