Số doanh nghiệp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 6369 doanh nghiệp, giảm 5,1% so với tháng 5/2014.
Chỉ số sử dụng lạo động đang làm việc trong các ngành doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2014 tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong đó lao động trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,2%, trong khu vực ngoài nhà nước tăng 4,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,2%.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhu cầu lao động tăng so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước do vẫn có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư thêm vốn sản xuất.
Cũng theo số liệu được công bố, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô công nghiệp lớn tại thời điểm 1/6 đều có xu hướng tăng so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Trong đó tăng mạnh nhất lần lượt là các tỉnh Quảng Ngãi 7,6%, Bắc Ninh tăng 6,6%, Bà Rịa Vũng Tàu tăng 6,3%, Quảng Nam tăng 6,1%, Vĩnh Phúc tăng 5,6%, Quảng Ninh tăng 2,7%, TPHCM tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 2,1%. Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Dương có mức tăng ít hơn từ 1-1,3%.
Riêng 3 tỉnh là Cần Thơ, Bình Dương và Hải Phòng, chỉ số sử dụng lao động lại giảm cho thấy các tỉnh này ít nhiều bị ảnh hưởng do vụ việc gây rối bạo loạn tại một số khu công nghiệp do việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam trong tháng 5 vừa rồi.
Tuy nhiên, dự báo mức giảm này sẽ không kéo dài do hiện nay hầu hết các doanh nghiệp tại các tỉnh này đã hoạt động bình thường trở lại với sự trở lại của phần lớn người lao động nhờ các biện pháp hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng.