Tháng 6, Việt Nam nhập siêu khoảng 150 triệu USD

Tháng 6, Việt Nam nhập siêu khoảng 150 triệu USD

Có lẽ, hàng chục năm nay nhập siêu của Việt Nam mới chứng kiến những con số thấp đến thế.

 

Giai đoạn nửa đầu năm đã đi qua, theo ước tính của cơ quan thống kê, chênh lệch thương mại hàng hóa mới chỉ vượt nửa tỷ USD.

 

Điều đáng ngạc nhiên là kim ngạch xuất khẩu đang tiến rất sát mức 10 tỷ USD/tháng, cao nhất từ trước đến nay; còn nhập khẩu cũng vậy, chưa bao giờ đạt mức cao như hiện nay, dù về mặt tăng trưởng kim ngạch là không lớn.

 

Cụ thể, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2012 có thể đạt 9,75 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng trước; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước có thể đạt mức 9,9 tỷ USD, không cách biệt nhiều so với kỷ lục của tháng 5 là vượt 10,2 tỷ USD.

 

Dù là các mốc kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu luôn bị phá vỡ trong mấy tháng gần đây, trạng thái tiến lại gần nhau của hai chiều giao thương là đáng chú ý hơn cả.

 

Ước tính đến tháng này, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 53,13 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là trên 53,81 tỷ USD và tăng tương ứng 6,9%. Nhưng con số ấn tượng hơn là nhập siêu từ đầu năm đến nay mới đạt khoảng 685,5 triệu USD, tương đương khoảng 10,6% cùng kỳ năm trước.

 

Một diễn biến đáng chú ý có thể lý giải cho sự điều chỉnh này. Theo nhiều doanh nghiệp cho biết, trong khi tiêu thụ trong nước khó khăn mà đặc biệt là tình hình tài chính và khả năng thanh toán của không ít khách hàng đã kém hơn trước, việc đẩy mạnh xuất khẩu để thu tiền về là biện pháp mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.

 

Nhìn vào diễn biến xuất khẩu của nhiều mặt hàng, sản lượng xuất khẩu tăng trong khi giá xuống thấp nhanh cho thấy thực tế trên. Việc tránh rủi ro thanh toán ở thị trường trong nước cũng góp phần dẫn tới cạnh tranh giảm giá bán hàng ở chiều xuất khẩu. Giá gạo, điều, chè, cà phê, sắn… giảm liên tục so với cùng kỳ, biểu hiện trên các con số về xuất khẩu trong thời gian gần đây.

 

Còn nhìn về phía nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều giai đoạn trước được cho là sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của giai đoạn sau. Thực tế diễn biến kim ngạch và sản lượng nhập khẩu của xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón… cho thấy quan ngại trên là hiện thực.

 

Trong một diễn biến liên quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vào lần phát biểu gần đây trước Quốc hội cho biết, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam hiện đang thặng dư cả ở cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính, điều khá hiếm khi xảy ra từ trước đến nay.

 

Cơ quan này cũng đã mua vào khoảng 9 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay, tuy nhiên thị trường ngoại hối vẫn khá ổn định kể từ cuối năm ngoái.

 

Còn trở lại với diễn biến nhập siêu thấp hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng đó chưa phải là bản chất của nền kinh tế Việt Nam, và nhập siêu có thể tăng trở lại rất nhanh khi nền sản xuất phục hồi, tiêu dùng và đầu tư được cải thiện.