Trông đợi từ DN
Việc chưa có cơ chế bán cổ phần theo lô, theo phản ánh của cả cơ quan chủ quản tại các DNNN lẫn các DN, đang là điểm nghẽn lớn khiến cho việc thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) diễn ra chậm.
Sau nhiều ý kiến đề xuất cần sớm có cơ chế bán cổ phần theo lô, đặc biệt là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban công tác tái cơ cấu DNNN quý I/2015 là: ngay trong tháng 4/2015, Bộ Tài chính phải hướng dẫn cơ chế bán cổ phần theo lô…, các DN, cũng như giới đầu tư kỳ vọng cơ chế này sẽ được ban hành theo đúng tiến độ mà Thủ tướng yêu cầu. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính đã không đáp ứng được tiến độ này, nên đang có thêm những ý kiến hối thúc sớm ban hành cơ chế bán đấu giá theo lô.
Cụ thể, tại cuộc họp xử lý vướng mắc, kiến nghị về tái cơ cấu DNNN diễn ra mới đây do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ và các DN trực thuộc như: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam… rất muốn bán cổ phần theo lô. Nếu không sớm được áp dụng cơ chế này thì không tạo ra sức hút với NĐT khi CPH các DNNN.
Cố gắng cuối tháng 5 này có cơ chế
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - đơn vị được giao xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn bán cổ phần của DNNN theo lô - cho biết, dự kiến, trong tuần này, dự thảo thông tư sẽ được đưa ra lấy ý kiến các đơn vị của Bộ Tài chính sau đó sẽ được hoàn thiện và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ hoàn chỉnh dự thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, phấn đấu ban hành vào cuối tháng 5 này.
Câu hỏi mà giới đầu tư đặt ra là những đối tượng nào sẽ được tham gia mua cổ phần theo lô, họ có phải chịu các ràng buộc hỗ trợ DN về kỹ thuật, mở rộng thị trường hay không, tỷ lệ cổ phần mà họ được mua theo lô là bao nhiêu? Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, dự thảo thông tư đang được xây dựng theo hướng trao quyền quyết định tỷ lệ cổ phần bán, các đối tượng được tham gia mua cổ phần theo lô cho DN cũng như cơ quan chủ quản của DN.
Quy mô khi mua cổ phần theo lô là toàn bộ số cổ phần cần bán, hoặc trên 50% số lượng cổ phần của DNNN cần bán để NĐT có thể tham gia điều hành DN. Việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định để tránh tiêu cực trong thực hiện CPH, thoái vốn tại DNNN.
Một câu hỏi nữa mà giới đầu tư đang quan tâm là tham gia mua cổ phần theo lô, NĐT có bị hạn chế về thời hạn chuyển nhượng cổ phần hay không, vì có ý kiến cho rằng, cần đưa ra ràng buộc này để tránh tình trạng họ chỉ mua, bán kiếm lời, không tập trung đầu tư phát triển DN?
Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, dự thảo thông tư đang được xây dựng theo hướng không đặt ra hạn chế về thời hạn chuyển nhượng cổ phần với các NĐT tham gia mua cổ phần theo lô.
Thực tế cho thấy, khi NĐT mua tỷ lệ cổ phần lớn tại DN, họ có nhu cầu tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành, tái cơ cấu hoạt động của DN sau khi rót vốn đầu tư. Điều này cũng sẽ diễn ra tương tự khi NĐT mua cổ phần theo lô tại các DN.
Bởi vậy, nếu đặt ra yêu cầu họ phải nắm giữ cổ phần trong một thời hạn nhất định, mới được chuyển nhượng, thì sẽ làm khó NĐT. Lý do là bởi sau khi tham gia mua cổ phần theo lô, vì những lý do khách quan hoặc chủ quan, mà họ không thể tái cơ cấu DN thành công, thì nhu cầu chuyển nhượng phần vốn của họ là chính đáng.
Hơn nữa, tương tự như các DN niêm yết, ngoại trừ NĐT tham gia các đợt phát hành riêng lẻ phải chịu hạn chế về thời hạn nắm giữ cổ phần, các trường hợp khác, NĐT được tự do mua bán cổ phần.
Do đó, việc không hạn chế về thời hạn chuyển nhượng cổ phần đối với NĐT tham gia mua cổ phần theo lô là phù hợp với thực tiễn thị trường.