Điểm tích cực trong bức tranh kinh tế của TP.HCM là doanh nghiệp có niềm tin hơn trong việc vay vốn làm ăn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TTBC TP.HCM
Tại phiên họp UBND TP.HCM thường kỳ tháng 4/2024, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM đã có nhiều đánh giá về các chỉ tiêu phát triển kinh tế Thành phố trong tháng vừa qua.
Theo ông Hoàng, kinh tế Thành phố vẫn duy trì mức phục hồi tốt so với quý I/2024, nhưng chưa có cú hích đủ mạnh để tạo ra bước đột phá tăng trưởng cho cả quý II/2024.
Ông Hoàng phân tích, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kể từ sau dịch đến nay thì chỉ tăng hơn 2% mỗi năm, trong khi cả nước bình quân tăng tới 6%.
Đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Hoàng cho biết mặc dù doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, nhưng chi phí đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận co lại, chưa tạo ra động lực cho doanh nghiệp sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng có cùng quan điểm, khi cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng trở lại, nhưng chủ yếu là đơn hàng ngắn hạn trong quý I và quý II/2024, nhưng họ phải chịu nhiều sức ép về giá.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chấp nhận co lại thu nhập để duy trì việc làm. “Trong bối cảnh nguồn cầu nước ngoài chưa tăng mạnh thì kích cầu trong nước là nhân tố sống còn trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, đó là con số tích cực, nhưng nếu xét về quy mô thì mức tăng trưởng này chỉ tương đương với tháng 4/2022, cho thấy sức mua vẫn còn thấp nên cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, vốn đầu tư công được xem là vốn mồi của nền kinh tế. Tiến độ giải ngân năm nay tăng tốc khi TP.HCM tập trung đẩy nhanh các giải pháp khơi thông nguồn vốn. Tính đến ngày 26/4, thành phố giải ngân hơn 5.969 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Dù đã giải ngân vốn gấp 2,4 lần năm ngoái, nhưng ông Hoàng đánh giá vẫn chưa đạt được mục tiêu giải ngân mà Thành phố đặt ra. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2024, TP HCM cần giải ngân hơn 79.260 tỷ đồng và đặt mục tiêu đạt từ 95% số tiền này. Điều này đồng nghĩa mỗi quý TP.HCM phải giải ngân gần 20.000 tỷ đồng, gấp đôi con số của 4 tháng qua.
Bên cạnh vốn đầu tư công, vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nền kinh tế TP.HCM còn yếu. 4 tháng đầu năm 2024, Thành phố có 22.345 doanh nghiệp tham gia vào thị trường (cấp phép mới và quay trở lại hoạt động), tăng 10,0% so với cùng kỳ; có 18.644 doanh nghiệp rời khỏi thị trường (tạm ngừng hoạt động và giải thể), tăng 15,7%; cứ 100 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 83 doanh nghiệp rời khỏi thị trường phản ánh môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, thuận lợi.
Số lượng cấp phép doanh nghiệp tăng nhưng vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp chỉ đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 17,1% (cùng kỳ năm 2023 đạt 9,8 tỷ đồng) phản ánh quy mô doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, Thành phố có 357 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới, tăng 16,3%. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố đạt 915,6 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Điểm tích cực trong bức tranh kinh tế của TP.HCM là doanh nghiệp có niềm tin hơn trong việc vay vốn làm ăn so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đến 30/4 đạt 3.593 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ.
“Điều này cho thấy dù hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn song nhu cầu vay vốn tăng trở lại và dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Hoàng nói.