CPI tháng 4/2023 trên địa bàn Hà Nội giảm 0,81% so với tháng trước và tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 trên địa bàn Hà Nội giảm 0,81% so với tháng trước và tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng khá thấp.
Tháng 4/2022, 8/11 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước. Cụ thể, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 4,63% (tác động làm giảm CPI chung 0,22%). Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2% (tác động làm giảm CPI chung 0,41%) do giá gas đun, giá dầu hỏa giảm mạnh.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,87% (tác động làm giảm CPI chung 0,06%). Nhóm giáo dục giảm 0,76% (tác động làm giảm CPI chung 0,06%).
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,53% (tác động làm giảm CPI chung 0,03%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,3% (tác động làm giảm CPI chung 0,09%) do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,46%, các loại rau tươi, khô và chế biến giảm 2,6% do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,22% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
3/11 nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, gồm: nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,01%; nhóm giao thông tăng 0,31% (tác động làm tăng CPI chung 0,03%) chủ yếu do giá xăng điều chỉnh tăng vào ngày 11 và ngày 21/4; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,19%.
So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng 2,71% và chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,89%.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội những tháng đầu năm 2023 tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều điểm sáng.
TP. Hà Nội đẩy mạnh thực hiện các giải pháp quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, kích thích các ngành sản xuất phát triển, thúc đẩy đầu tư…
Cùng với đó, TP. Hà Nội đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão; tập trung chỉ đạo cân đối nguồn cung, cầu xăng, dầu trên địa bàn trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng, dầu trong nước và quốc tế, góp phần tích cực cho tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh các chương trình kích cầu do TP. Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn như: HaproMart, BRGMart, Co.opmart, Big C, AEON Mall, Winmart, MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng tích cực triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn thu hút người tiêu dùng.
Để kích cầu mua sắm, đặc biệt phục vụ người tiêu dùng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, tại các siêu thị trên địa bàn Thủ đô đã triển khai nhiều ưu đãi hấp dẫn, giảm giá tới 50% cho hàng nghìn sản phẩm thuộc các ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang, điện máy - gia dụng…
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan cho biết, TP. Hà Nội đã ban hành chương trình khuyến mãi tập trung năm 2023, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ. Các chương trình khuyến mãi tập trung, quy mô lớn tạo ra những “tháng vàng” mua sắm hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng.
Cùng với chuỗi chương trình khuyến mãi tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội; tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành;
Tiếp tục giới thiệu, kết nối hơn 2.000 sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố và hơn 1.600 sản phẩm OCOP Hà Nội đến các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm… để tiêu thụ, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Hiện nay, TP. Hà Nội đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.