Tháng 4, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, IDI đạt kim ngạch hơn 15 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu từ Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 4, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, IDI đạt kim ngạch hơn 15 triệu USD

Lũy kế ước kết quả xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đầu năm gần chạm mốc 3,6 tỷ USD, cao hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là trọng lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II/2022

So với tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần với doanh thu 297 triệu USD. Nhờ đó, tính luỹ kế 4 tháng đầu năm, ngành cá tra thu về nguồn ngoại tệ trên 950 triệu USD, tăng 94%. Trọng lực chính vẫn nằm ở 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%. Cả hai thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 3 con số trong 4 tháng đầu năm nay: Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD.

Theo Vasep, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng trưởng mạnh tại các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá tốt. Sau 2 năm kiềm chế vì dịch Covid, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng.

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.

Cũng theo dữ liệu từ cơ quan này, trong tháng 4, Công ty cổ phần Đầu tư Đa quốc gia I.D.I đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn cá, đạt kim ngạch hơn 15 triệu USD. Con số này cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 27% so với kế hoạch tháng mà IDI đã xây dựng.

Vasep nhận định, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm trọng lực chính, quyết định tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong những tháng tới. Dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý II sẽ đạt 2,8 – 3 tỷ USD, tăng khoảng 36-38% so với cùng kỳ năm 2021.

Tin bài liên quan