Trong quý I, thị trường suy giảm cả về chỉ số và thanh khoản do tác động tiêu cực của các yếu tố vĩ mô, chủ yếu là kinh tế vĩ mô trong nước. Dường như triển vọng và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô đang và sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất thu hút dòng vốn của NĐT trong và ngoài nước. Trong năm 2010 và 2011, việc thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ cùng mặt bằng lãi suất phụ thuộc chặt chẽ vào diễn biến của chỉ số CPI. Nhiều NĐT hy vọng, TTCK tháng 4 sẽ sáng sủa hơn khi các công ty công bố BCTC quý I và lạm phát dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, sau quyết định tăng giá xăng ngày 29/3 và xu hướng nóng lên của nhóm hàng thực phẩm thời gian gần đây, có vẻ như triển vọng của TTCK sẽ tiếp tục bị đẩy lùi thêm ít nhất 1 - 2 tháng nữa. Chúng tôi nhận định, nếu lạm phát chưa xuống mức dưới 0,6%/tháng thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Do đó, TTCK tháng 4 vẫn chưa có nhiều cơ hội để cải thiện cả về điểm số và thanh khoản.
Khó kỳ vọng đột phá của kinh tế vĩ mô
Có thể nói, các chính sách kinh tế vĩ mô ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn đến TTCK đã cơ bản xảy ra trong tháng 2 - 3/2011. Tuy nhiên, TTCK không chỉ ảnh hưởng bởi thời điểm các chính sách được ban hành mà còn từ kết quả thực hiện các chính sách đó. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát và giữ giá đồng nội tệ, các biện pháp mạnh tay đã được đưa ra như nâng lãi suất tái cấp vốn, thắt chặt tăng trưởng tín dụng dưới mức 20%, đặc biệt đối với thị trường bất động sản và chứng khoán, kiểm soát thị trường vàng và thị trường ngoại tệ tự do, thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu thay vì trợ giá và kiềm chế như giá điện, xăng dầu, than…
Đúng là những chính sách đó đã bước đầu phát huy tác dụng, nhưng nền kinh tế dường như đang bị kìm nén quá mạnh dưới hàng loạt biện pháp hành chính cùng xảy ra trong thời gian ngắn, nên sẽ mất thêm ít nhất 1 - 2 tháng nữa mới chính thức định hình. Chúng tôi không hy vọng sẽ có những tín hiệu tích cực hơn trong ngắn hạn, mặc dù khả năng TTCK đi xuống mạnh cũng rất thấp.
Lạm phát: Đây có thể nói là mắt xích quan trọng nhất của tất cả các chính sách tiền tệ trong hơn 1 năm qua và cả trong thời gian tới. Với việc giá thực phẩm đồng loạt tăng giá tới 20 - 30% vài tuần gần đây cùng với giá xăng dầu tăng gần 10% vừa qua thì khó hy vọng CPI tháng 4 sẽ ở mức dưới 1%. Điều đó có nghĩa là nếu muốn kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức một con số thì 8 tháng còn lại, lạm phát phải thấp hơn 4 tháng đầu năm. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện và nếu NHNN nới lỏng bớt chính sách tiền tệ quá nhanh thì sẽ đi ngược lại so với mục tiêu ban đầu.
Lãi suất: Vì lý do trên, mặt bằng lãi suất tháng 4 có khả năng sẽ duy trì kịch bản của tháng 3 do nguồn tiền giá "rẻ" hiện nay chưa dồi dào, mặc dù các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất huy động 14%. Để NHNN can thiệp vào thị trường lãi suất thì ít nhất phải đợi lạm phát đi vào ổn định và các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ tìm được hướng xử lý hợp lý hơn, góp phần nâng cao vòng quay của dòng tiền giữa các thị trường.
Dòng tiền vào TTCK: Dòng tiền vào TTCK không nhất thiết phải phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2010, dòng tiền chủ yếu đến từ phía NĐT cá nhân và một phần từ NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, dòng tiền của NĐT nước ngoài phụ thuộc chặt chẽ vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, còn dòng tiền từ NĐT cá nhân lại phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Hiện nay, kinh tế vĩ mô vẫn chưa khởi sắc, kinh tế thế giới cũng diễn biến phức tạp cùng với thanh khoản 2 sàn thấp, danh mục đầu tư của đa số NĐT đều âm, nên sẽ tiếp tục cản trở dòng tiền đầu cơ vào TTCK. Đối với NĐT tham gia mạnh trong năm 2010 thì hiện nay lỗ trung bình 20 - 50%, nên xu hướng chung là chờ đợi cơ hội bán ra hơn là giải ngân thêm, còn đối với NĐT mới thì tham gia vào giai đoạn thị trường đang nhạy cảm không phải là sự lựa chọn lý tưởng nhất. Trong tháng 4, nếu thanh khoản không khởi sắc thì chỉ số Index tăng hay giảm cũng không có nhiều ý nghĩa.
Khi nào có thể kỳ vọng vào triển vọng kinh tế vĩ mô?
Trả lời được câu hỏi trên cũng có nghĩa là NĐT đã tìm đúng thời điểm để "bắt đáy". Tuy nhiên, chỉ khi nào hai yếu tố lạm phát và tỷ giá được giải quyết thì kinh tế vĩ mô mới có thể khởi sắc.
Lạm phát có thể sẽ ổn định từ tháng 5/2011: Với các đợt tăng giá thực phẩm, xăng dầu vừa qua, nếu lạm phát tháng 4 nằm dưới mức 1% có thể được coi là thành công. Theo nhận định của chúng tôi, trừ phi kinh tế thế giới diễn biến thất thường, CPI sẽ ổn định trở lại từ tháng 5 sau khi mặt bằng giá đã ổn định ở mức cao mới. Hiện nay, sức mua đã giảm mạnh vì giá cả nhiều nhóm hàng hóa đã tăng cao hơn cả giá xăng dầu và điện, nên khả năng giá cả tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới là không lớn (trừ nhóm ngành giao thông vận tải).
Tỷ giá ít khả năng biến động mạnh: Trong tháng 3, thị trường ngoại tệ tự do đã được kiểm soát rất chặt và xấp xỉ với tỷ giá niêm yết. Tuy nhiên, do áp dụng biện pháp hành chính nên trên thực tế thị trường tự do hiện nay không có thanh khoản. Vì vậy, sự ổn định này chỉ mang tính chất ngắn hạn và sẽ phụ thuộc vào các biện pháp tiếp theo từ phía NHNN để điều tiết cung - cầu ngoại tệ.
Chính sách tiền tệ có thể điều chỉnh từ tháng 6/2011: Thông thường, với diễn biến phức tạp của nền kinh tế vĩ mô, NHNN thường phải quan sát ít nhất 2 tháng trước khi có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Nếu lạm phát ổn định từ tháng 5, NHNN có thể sẽ can thiệp mạnh vào thị trường lãi suất từ tháng 6 để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế. Mặc dù tín dụng cho TTCK có ít cơ hội được đón nhận nguồn vốn trực tiếp, nhưng giải tỏa được sức ép tâm lý cũng hứa hẹn góp phần quan trọng thu hút dòng tiền đầu cơ. Như vậy, so với kỳ vọng của NĐT vào TTCK tháng 4, thời điểm phù hợp để giải ngân có thể bị đẩy lùi thêm 1 - 2 tháng tới.
Ảnh hưởng của BCTC quý I và kế hoạch kinh doanh 2011
Ngoài việc tháng 4 là tâm điểm của mùa ĐHCĐ, công bố kế hoạch kinh doanh năm 2011, đây cũng là tháng các DN niêm yết thông báo BCTC quý I/2011. Chúng tôi nhận định kết quả kinh doanh quý I sẽ có tác động tới TTCK mạnh hơn kết quả ĐHCĐ do:
- Dự kiến kế hoạch kinh doanh của DN gần đây có tỷ lệ sai lệch khá lớn (cả tích cực và tiêu cực), nên nhìn chung chỉ mang tính chất tham khảo, NĐT khá thận trọng khi sử dụng để đầu tư ngắn hạn.
- Kết quả kinh doanh quý I lại là chứng thực quan trọng nhất cho tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm 2011 của các DN niêm yết; đồng thời cũng xác định được các "ứng cử viên" có khả năng ảnh hưởng lớn nhất từ môi trường kinh tế vĩ mô năm nay.
- Tình hình kinh doanh của các DN trong quý I cũng là cơ sở quan trọng để xác định nguồn tiền chi trả cổ tức cho năm 2010.
Chúng tôi dự đoán nhóm ngành chứng khoán và quản lý quỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất trong quý I; đa số sẽ bị thua lỗ do thanh khoản thị trường kém, danh mục tự doanh giảm khoảng 20 - 30%. Nhóm ngành bất động sản cũng kém tích cực vì thị trường quý I rơi vào vùng trũng nhất. Ngược lại, một số nhóm ngành có thể có kết quả kinh doanh tích cực như ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (thực phẩm, đồ uống), công nghệ thông tin và tài nguyên thiên nhiên (giá nguyên liệu tăng mạnh).
Các tín hiệu kỹ thuật chưa rõ ràng
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index biến động theo mẫu hình Flag/Pennant trên đồ thị ngày và vẫn chưa có tín hiệu "Break Down" hay "Break out". Sự biến động hiện tại cũng sắp đi tới những điểm tới hạn cuối cùng, thị trường sẽ sớm thoát khỏi xu hướng đi ngang hiện tại và chuyển sang xu hướng biến động mạnh hơn. Giá được hỗ trợ bởi đường kháng cự của mẫu hình Falling Wedge trên đồ thị tuần mà nay trở thành ngưỡng hỗ trợ sau khi đã xuất hiện "Break out" khỏi mẫu hình này trong những tuần trước đó và "Pull Back" trở lại.
Suất sinh lợi trung bình theo tháng của chỉ số VN-Index
Tóm lại, khó có thể kỳ vọng vào khả năng đột phá của thị trường cả về chỉ số và thanh khoản trong tháng 4. Bên nắm giữ cổ phiếu đã cầm cự được qua những thời điểm thị trường khó khăn nhất, nên ít có khả năng xả hàng ở mức giá thấp. Ngược lại, khi kinh tế vĩ mô chưa phát đi các tín hiệu tích cực thì bên mua cũng sẽ tiếp tục thận trọng. Thị trường hiện nay vẫn chưa phù hợp với đầu tư lướt sóng ngắn hạn và dùng đòn bẩy, nhưng là thời điểm hợp lý để tích lũy cổ phiếu hướng tới tăng trưởng trong nửa cuối năm 2011.
NĐT có thể tham khảo chi tiết Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4 của SME trên trang web www.smes.vn