Đi ngược xu hướng TTCK quốc tế, chỉ số VN-Index gần đây tăng điểm và tái lập ngưỡng đỉnh lịch sử 1.170 điểm năm 2007 vào phiên giữa tuần. Xu hướng tăng này bền vững hay không, theo ông?
Chỉ số VN-Index trong 2 phiên đầu tuần đi ngược với xu hướng chung của chứng khoán thế giới khi tiến sát vùng đỉnh lịch sử 1.160 - 1.180 điểm. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, VN-Index thường có xu hướng tăng sau đợt tái cấu trúc danh mục định kỳ của 2 quỹ ETF ngoại (FTSE và VanEck) khi mà nhà đầu tư trong nước đã “hấp thụ” lượng cổ phiếu khá lớn bị bán ra vào phiên cuối tuần trước đó.
Thứ hai, đà tăng của thị trường còn được hỗ trợ bởi nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong năm 2018. Điều này ít nhiều đã được thể hiện qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của VPBank trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, cũng như kế hoạch trình Đại hội ngày 29/3 mà Ngân hàng TMCP Quân đội vừa công bố.
Ông Vũ Minh Đức
Không phủ nhận diễn biến của VN-Index đang rất tích cực khi chỉ số này đã chạm vào vùng đỉnh năm 2007, thậm chí có cơ hội để vượt qua kháng cự này. Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy, tâm lý của nhà đầu tư vẫn khá thận trọng, thể hiện ở xu hướng sụt giảm khối lượng giao dịch tại hai sàn ngay khi chỉ số tăng vượt ngưỡng lịch sử.
Diễn biến này một lần nữa khẳng định, VN-Index tăng điểm là do sự tác động của một nhóm cổ phiếu vốn hóa rất lớn, chứ không phải do lực cầu chung của thị trường mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy một nhịp điều chỉnh giảm có thể sẽ sớm xảy ra.
Nhà đầu tư đang đón nhiều thông tin từ các doanh nghiệp niêm yết khi tổ chức đại hội đồng cổ đông. Ở “mùa thông tin” năm nay, theo ông, nhà đầu tư nên chọn chiến lược đầu tư như thế nào?
Mùa đại hội năm nay đang diễn ra với những kế hoạch tham vọng từ nhóm ngân hàng. Tuy vậy, giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng thực tế đã tăng rất mạnh so với giai đoạn đầu năm 2018.
Do đó, nhà đầu tư không nên quá hưng phấn với những con số kế hoạch, thay vào đó cần đánh giá xem về mặt định giá của từng cổ phiếu đã phù hợp với triển vọng thực tế hay chưa.
Nhìn chung, mùa đại hội sẽ kéo theo sự phân hóa của dòng tiền và sau đó là một nhịp điều chỉnh giảm khi mà thị trường rơi vào “vùng trũng”, thiếu thông tin hỗ trợ. Hiệu ứng “Sell in May” (bán trong tháng 5) thường bắt nguồn từ logic này.
Một số ý kiến lo ngại rằng, rủi ro đầu tư đang tăng dần trong bối cảnh TTCK thế giới diễn biến thất thường, còn tại thị trường trong nước thì định giá nhiều cổ phiếu đã đi nhanh hơn khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Ông nhìn nhận thế nào về quan điểm này?
Rủi ro đảo chiều của chứng khoán thế giới theo động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần được cân nhắc, mặc dù tác động của nó đến TTCK Việt Nam trong giai đoạn gần đây chưa thực sự rõ ràng.
Sự hấp dẫn hơn của “đồng bạc xanh” có thể làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các thị trường mới nổi về Mỹ, cũng như tác động nhất định đến đường cong lãi suất của Việt Nam - yếu tố có ảnh hưởng đến định giá chứng khoán.
Theo thống kê, hệ số P/E của VN-Index đang khoảng 21 lần, mức này chưa phải là quá cao so với tốc độ tăng trưởng EPS năm 2018 mà chúng tôi ước tính đối với các công ty niêm yết trên HOSE, cũng như so với thị trường khu vực. Tuy nhiên, không thể nói rằng, mặt bằng giá cổ phiếu đang còn rẻ. Và đó cũng là một yếu tố làm gia tăng rủi ro điều chỉnh của thị trường trong ngắn hạn.
Nhóm cổ phiếu blue-chips hầu hết đều tăng lên mặt bằng cao mới, liệu dòng tiền có tìm đến nhóm penny trong thời gian tới hay không?
Tôi quan sát thấy dòng tiền có sự lan tỏa nhất định sang phân khúc cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu đầu cơ, nhưng hiệu ứng này chưa xuất hiện trên diện rộng, chủ yếu tập trung vào nhóm bất động sản và một số cổ phiếu cơ bản có sự hồi phục về tình hình sản xuất - kinh doanh. Trong ngắn hạn, dự báo dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt cho đến khi VN-Index điều chỉnh giảm.
Trong trung hạn, khi mà nhóm vốn hóa lớn đã xác lập một mặt bằng giá mới và đi ngang, nó sẽ tạo hiệu ứng dịch chuyển dòng tiền sang phần còn lại. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kém.