Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng để bước vào kỳ nghĩ kéo dài 5 ngày, thị trường chứng khoán phái sinh đã có được một phiên giao dịch khá ấn tượng với tổng khối lượng hợp đồng được giao dịch đạt 102.677 hợp đồng.
Sở dĩ nói điều rằng kết quả giao dịch của phiên cuối cùng trong tháng là ‘khá ấn tượng’ là bởi đây là phiên thứ 2 trong tổng số 19 phiên giao dịch của tháng có khối lượng hợp đồng giao dịch đạt con số trên 100.000 hợp đồng – điều mà những tháng trước đây là hết sức bình thường.
Thị trường chứng khoán cơ sở ảm đảm đã vẽ nên một bức tranh không mấy sáng sủa trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Điều này là có thể hiểu được bởi các sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam hiện nay - hợp đồng tương lai chỉ số - được xây dựng dựa trên chỉ số VN30, vì vậy sự biến động của thị trường phái sinh gắn liền với diễn biến của VN30.
Các số liệu thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng qua chỉ đạt mức 1.400 tỷ đồng, giảm 30% so với hồi giữa tháng 3. Cá biệt, giá trị hợp đồng tương lai được giao dịch trong phiên giao ngày 19/4 chỉ ở mức gần 950 tỷ đồng, bằng 50% giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng 3/2019.
Với thị trường chứng khoán phái sinh, thống kê của HNX cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4 – phiên giao cuối cùng của tháng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ dài - tổng khối lượng hợp đồng phái sinh giao dịch của cả tháng 4 cũng chỉ đứng ở mức 1.533.859 hợp đồng với giá trị hợp đồng đạt xấp xỉ 135.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong tháng 3 tổng khối lượng hợp đồng giao dịch đạt 2.647.100 hợp đồng. Như vậy là khối lượng giao dịch trong tháng 4 đã giảm tới 42% so với tháng trước đó.
Nếu như trong tháng 3 giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tuy có giảm ở thời điểm cuối tháng nhưng khối lượng giao dịch bình quân vẫn đạt 126.052 hợp đồng/phiên. Ngoại trừ thời điểm giữa tháng và cuối tháng khi điểm chỉ số VN30 không biến động nhiều, khối lượng giao dịch của các phiên giao dịch còn lại đều trên mức 100.000 hợp đồng/phiên.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân phiên trong tháng 4 chỉ đạt mức 80.729 hợp đồng, trong đó chỉ có hai phiên có số lượng hợp đồng giao dịch đạt mức trên 100.000 hợp đồng. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 19/4 tổng số lượng hợp đồng giao dịch chỉ đứng ở mức 56.298 hợp đồng, giảm một nửa so với số lượng giao dịch trung bình phiên của tháng 3.
Những số liệu thống kê trên cho thấy, sự ảm đạm của thị trường chứng khoán cơ sở đã ảnh hưởng mạnh tới bầu không khí giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh như thế nào.
Sự bất cập của rổ chỉ số VN30
Có một điểm mà nhà đầu tư và giới chứng khoán lâu nay đã đề cập nhiều, đó là sự bất cập của cơ cấu rổ hàng hóa VN30 hiện nay. Có vài cổ phiếu trong cùng một họ, chẳng hạn như các mã cổ phiếu thuộc họ Vin, chiếm tỷ trọng không phải là nhỏ trong rổ VN30. Hiện tại 3 cổ phiếu thuộc họ này là VIC, VHM và VRE chiếm 16,13% rổ chỉ số. Từ ngày 6/5 tới, do thay đổi cách tính rổ chỉ số, tỷ trọng của họ này trong VN30 sẽ giảm xuống còn 15,22%.
Đây là một sự thay đổi không đáng kể. Thay đổi đáng kể với các cổ phiếu thuộc họ này là giảm tỷ trọng giới hạn vốn hóa từ mức 47% xuống còn 41,91% ở cả 3 mã. Do chiếm tỷ trọng lớn nên mỗi khi giá thị trường của họ cổ phiếu này biến động sẽ ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến của rổ VN30 và qua đó tác động tới thị trường chứng khoán phái sinh.
Đặc biệt phải kể đến cổ phiếu SAB của Sabeco. Kể từ 6/5 tỷ lệ lưu hành tự do của SAB được giảm từ 15% xuống còn 11%. Từ chỗ đứng thứ 12 trong chỉ số cũ SAB giờ tụt xuống thứ 17 trong chỉ số mới. Điều này phần nào có thể giúp SAB giảm ảnh hưởng trong VN30 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vấn đề chính đối với SAB không phải là thay đổi tỷ trọng trong chỉ số mà là thanh khoản. Các cổ phiếu khác có thanh khoản lớn nên để thay đổi một bước giá cần chi phí tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi SAB thanh khoản rất nhỏ, các bước giá lại không được lấp đầy, tạo điều kiện tự nhiên cho khả năng dao động rất mạnh dù chỉ khớp lệnh với một khối lượng tối thiểu.
Việc thay đổi vốn hóa của một cổ phiếu ngoài chuyện khối lượng lưu hành lớn hay nhỏ còn là mức chênh lệch giữa giá chào mua tốt nhất và chào bán tốt nhất. Theo quy định thì bước giá cổ phiếu là giống nhau trong cùng một khoảng giá nhưng thực tế phụ thuộc vào cung cầu từng thời điểm. Theo quan sát, SAB thường xuyên có chênh lệch lớn giữa hai giá nên vốn hóa cũng biến động rất mạnh.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 18/4, ở đợt khớp lệnh ATC, đột ngột có 24.500 cổ phiếu (chiếm 50% tổng khối lượng giao dịch của SAB trong cả phiên) được đưa ra bán với mức giá sát với giá sàn, kéo theo sự thay đổi mạnh của VN30, gây ra sự ngỡ ngàng đối với nhà đầu tư.
Đã có tính toán cho rằng, ở phiên giao dịch này, chỉ cần nắm giữ giá trị cổ phiếu chưa đến 6 tỷ đồng có thể khiến vốn hóa của SAB "bay" hơn 10.100 tỷ đồng, tác động mạnh đến VN-Index và chỉ số VN30, đơn vị làm chỉ số cơ sở cho hợp đồng phái sinh.
Biến động mang tính giật cục, bất thường của thị giá SAB đã làm ảnh hưởng tới túi tiền của nhà đầu tư phái sinh, gây ra sự thất vọng đối với những nhà đầu tư này. Những sự kiện như thế này cần được hạn chế tới mức tối thiểu, thậm chí loại bỏ hẳn, để tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư khiến họ có tâm lý chán nản, ngừng giao dịch hoặc rời bỏ thị trường.
Thị trường đang rất ngóng chờ sự ra đời của một bộ chỉ số mới, tốt hơn, làm cơ sở cho những sản phẩm chứng khoán phái sinh để giúp thị trường phát triển nhanh và bền vững hơn. Nếu không thì bất chấp nỗ lực của một vài công ty chứng khoán trong việc miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư hiện nay thì thị trường phái sinh cũng không thể phát triển được như kỳ vọng của Chính phủ và cơ quan quản lý thị trường.