Cổ đông được lợi gì?
Thực tế thì tại các cuộc ĐHCĐ của doanh nghiệp, không phải lúc nào các cổ đông cũng tham gia được. Chính vì vậy, việc bỏ phiếu điện tử sẽ giúp đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông với các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp, mà không bị hạn chế về địa lý và thời gian như trước kia. Đặc biệt là trong trường hợp nhiều tổ chức phát hành tổ chức ĐHCĐ cùng ngày, cổ đông chỉ cần có mạng internet là có thể thực hiện bỏ phiếu điện tử. VSD đang gấp rút hoàn thiện hệ thống E-Voting để các doanh nghiệp có thể ứng dụng ngay trong mùa ĐHCĐ này.
“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, các quốc gia tiên tiến đều công nhận và sử dụng bỏ phiếu điện tử là một phương thức để tổ chức phát hành lấy biểu quyết của cổ đông. Hầu hết các doanh nghiệp lớn tại các quốc gia này đều sử dụng dịch vụ bỏ phiếu điện tử để lấy ý kiến cổ đông”, ông Thanh cho biết.
Như vậy, bỏ phiếu điện tử sẽ giúp tăng khả năng thành công của ĐHCĐ, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm gia tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo VSD, trong giai đoạn đầu, các nhà đầu tư nước ngoài không trực tiếp tham gia bỏ phiếu điện tử, mà phải thông qua các tổ chức đại diện có văn phòng ở nước sở tại, đó là ngân hàng lưu ký hoặc CTCK để giảm thiểu mức độ phức tạp của công nghệ và quy trình thực hiện.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng?
Cơ sở pháp lý cho E-Voting là Luật Doanh nghiệp 2015 bổ sung quy định bỏ phiếu điện tử là hình thức tham dự và biểu quyết đối với nội dung, nghị quyết của ĐHCĐ. VSD sẽ cung cấp dịch vụ E-Voting cho hai sự kiện là lấy ý kiến bằng văn bản, bỏ phiếu thông qua các tờ trình và các nội dung cuộc họp ĐHCĐ.
Trước khi có hệ thống E-Voting, để giảm thiểu rủi ro ĐHCĐ bất thành do không đủ tỷ lệ tham dự theo đúng quy định, một số doanh nghiệp cũng đã thử nghiệm với ĐHCĐ trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. HCM, nhưng số doanh nghiệp thực hiện theo phương thức này chỉ đếm trên đầu ngón tay, và do tổ chức tại hai đầu cầu nên các cổ đông vẫn phải đến tham dự một trong hai địa điểm tổ chức.
Đại diện Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho rằng, hiện nay cổ đông của nhiều doanh nghiệp trải dài từ Nam ra Bắc, các cuộc ĐHCĐ sẽ khó để huy động toàn bộ cổ đông tham gia, vì vậy, hệ thống E-Voting sẽ mang lại điều kiện thuận lợi cho cổ đông được thể hiện quyền biểu quyết của mình thông qua hệ thống bỏ phiếu điện tử. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp đang băn khoăn là nghiệp vụ này hoàn toàn mới nên cần sự hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức triển khai.
Về vấn đề này, VSD cho biết, mỗi tổ chức phát hành khi ký kết sử dụng dịch vụ E-Voting với VSD sẽ được cấp 1 tài khoản để đăng tải các thông tin liên quan đến ĐHCĐ, các nội dung cần được cổ đông bỏ phiếu thông qua và bản thân mỗi cổ đông cũng được cung cấp một tài khoản duy nhất để sử dụng cho tất cả các đợt bỏ phiếu. Trong thời gian tới, VSD sẽ cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện tử cho cả hai sự kiện, bao gồm lấy phiếu cổ đông bằng văn bản và bỏ phiếu thông qua các tờ trình, các nội dung họp ĐHCĐ cổ đông.
Năm 2015, không ít doanh nghiệp thất bại trong tổ chức ĐHCĐ chỉ vì số lượng cổ đông tham gia không đủ. Là doanh nghiệp đã nhiều lần phải tổ chức ĐHCĐ sang lần 2, lần 3 do không đủ tỷ lệ 65% cổ đông tham dự, CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) hy vọng, với phương thức mới này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tổ chức ĐHCĐ.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp niêm yết đang e dè với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quan trọng này. Điều mà doanh nghiệp e ngại là trình độ của cổ đông còn chưa đồng đều và không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp có thể nhờ các CTCK hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn triển khai Đại hội, kết hợp với việc sử dụng phần mềm để kiểm tra, kiểm phiếu tại Đại hội.