Xuất khẩu giảm trong tháng 1/2023
Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%. Riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.
Xuất khẩu sang các thị trường chính trong tháng đầu năm 2023 cũng giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hong Kong giảm 55%, EU giảm 35%...
VASEP nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Ngành thủy sản kỳ vọng vào sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ quý II/2023.
Thực tế, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường sẽ có sự điều chỉnh về phân khúc sản phẩm, lợi thế nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải, phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
VASEP cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu ở thị trường tỷ dân và các khu vực khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường Trung Quốc mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…
Trong bối cảnh nêu trên, VASEP cho rằng điều quan trọng lúc này là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.
Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo.
Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và logistics cho sản xuất xuất khẩu ở khu vực trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ở một diễn biến khác, trước đó, trong quý IV/2022, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Nam Việt tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022
Trong quý IV/2022, Nam Việt (mã ANV – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 1.144,28 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 106,53 tỷ đồng, tăng 95,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 19,3% lên 20,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 15,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 31,31 tỷ đồng lên 235,16 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 149,3%, tương ứng tăng thêm 21,57 tỷ đồng lên 36,02 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 79,8%, tương ứng tăng thêm 30,82 tỷ đồng lên 69,45 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 20%, tương ứng giảm 22,11 tỷ đồng về 88,53 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Luỹ kế trong năm 2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 4.896,65 tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 673,75 tỷ đồng, tăng 423,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý IV là 95,9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả năm là 423,3%. Như vậy, có dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của Nam Việt chậm lại so với giai đoạn đầu năm 2022.
Trong năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế ghi nhận 773,72 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch mà chỉ đạt 77,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Quý IV/2022, lợi nhuận Thực phẩm Sao Ta giảm 26% về 81,31 tỷ đồng
Trong quý IV/2022, Thực phẩm Sao Ta (mã FMC – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.211 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021 do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của FMC cũng bị trầm lắng, doanh số bán hàng trong quý này so với cùng kỳ chỉ đạt 84%.
Giá vốn hàng bán cũng giảm 15%, xuống 1.056 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 23%, về còn 154,5 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của FMC tăng mạnh 117%, đạt 35,59 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng 397%, lên 38,15 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19%, lên 32,52 tỷ đồng. Riêng chi phí bán hàng tiết giảm được 53%, xuống còn 36,04 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 của Sao Ta đạt 81,31 tỷ đồng, giảm 26% so với lợi nhuận quý IV/2021.
Tính cả năm 2022, Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 5.702 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021; trong đó, doanh thu bán thủy sản đạt hơn 5.488 tỷ đồng, chiếm 96% tổng doanh thu. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 319,5 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Năm 2022, FMC đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 5.290 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11,3% và 10,7% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, với lợi nhuận trước thuế đạt 328,4 tỷ đồng, FMC đã vượt gần 3% kế hoạch lợi nhuận năm.