Trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra hàng loạt các chính sách vĩ mô điều tiết thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lạm phát. Trong chiến lược đầu tư tháng 11, chúng tôi đưa ra nhận định về 3 khả năng NHNN can thiệp vào thị trường tiền tệ; với lựa chọn không điều chỉnh tỷ giá, tìm các biện pháp tăng giá đồng nội tệ, thì đây thực sự là hướng tiếp cận chính sách mang tính chất dài hạn.
Nhược điểm của biện pháp này là mất nhiều tháng để phát huy tác dụng và thị trường ngắn hạn sẽ chịu sức ép lớn. Ngay trong tháng 11, NĐT đã chứng kiến mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian ngắn, tỷ giá liên tục biến động và lạm phát tăng đột biến.
Liệu tháng 12, mặt bằng kinh tế vĩ mô ổn định hơn hay thị trường tiếp tục chịu tác động điều chỉnh trong ngắn hạn? Khi nào chính sách tiền tệ bắt đầu phát huy tác động tích cực và liệu thị trường có khả năng đón đầu các thông tin tích cực hơn ngay trong tháng 12?
Thị trường hiện nay vẫn đang ở giai đoạn nhạy cảm với nhiều luồng thông tin trái chiều. Khi NHNN chọn giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ dài hạn, “hy sinh” thị trường ngắn hạn, thì về nguyên tắc, thị trường trung và dài hạn sẽ diễn biến tích cực.
Diễn biến thị trường ngắn hạn sẽ tiếp tục chứa đựng nhiều rủi ro và ẩn số lớn nhất là khi nào các chính sách dài hạn bắt đầu phát huy tác dụng, ổn định lại mặt bằng kinh tế vĩ mô? Chúng tôi nhận định, thị trường tháng 12 chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:
Thị trường tiền tệ nhiều khả năng tiếp tục chịu sức ép trong ngắn hạn
Chọn giải pháp thả nổi lãi suất huy động và cho vay, đồng thời không can thiệp mạnh vào thị trường ngoại tệ, để tỷ giá USD/VND dần điều chỉnh trong dài hạn, NHNN đã chấp nhận phương án để thị trường tiền tệ biến động trong ngắn hạn, tự tìm điểm cân bằng. Lựa chọn này về trung và dài hạn sẽ giúp thị trường dần ổn định, nhưng trong ngắn hạn sẽ tạo sức ép lên nhiều yếu tố vĩ mô:
(i) Mặt bằng lãi suất: Khi giá vàng tăng mạnh và VND liên tục mất giá, NĐT có xu hướng chuyển từ gửi tiết kiệm VND sang các kênh đầu tư khác. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng. Biện pháp hiệu quả nhất là các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động (từ đó tăng lãi suất cho vay) đến mức đủ hấp dẫn NĐT quay trở lại với VND.
Chỉ trong 2 tuần cuối tháng 11, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của một số ngân hàng nhỏ đã chạm ngưỡng 15%. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định, mức lãi suất này chỉ tồn tại trong ngắn hạn, tới khi thanh khoản của các ngân hàng ổn định và VND giảm đà mất giá, do DN sẽ giảm mạnh nhu cầu vay khi lãi suất vượt ngưỡng 15 - 16%. Những ngân hàng có thanh khoản tốt có thể không bị kéo vào cuộc đua lãi suất với các ngân hàng nhỏ.
Sự chênh lệch về mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng đồng nghĩa với lãi suất trong tháng 12 có thể tiếp tục bị điều chỉnh liên tục, tới khi vấn đề thanh khoản được giải quyết.
Tác động gián tiếp của mặt bằng lãi suất cao tới kết quả hoạt động kinh doanh của DN cũng rất đáng chú ý. Với lãi suất cho vay từ 16% đến 19% thì các DN sử dụng nhiều lãi vay ngân hàng sẽ chuyển sang hoạt động cầm chừng.
Trong quý IV/2010, kết quả hoạt động kinh doanh có thể chưa bị tác động lớn, do DN vẫn thực hiện theo các hợp đồng tín dụng cũ, nhưng nếu kéo dài, quý I/2011 sẽ bị tác động tiêu cực ở một số nhóm ngành. Do các DN chưa công bố báo cáo tài chính trong tháng 12, nên kết quả hoạt động kinh doanh của các DN trong quý IV và năm 2010 sẽ chưa tác động nhiều tới diễn biến thị trường.
(ii) Tỷ giá USD/VND: Tính đến 30/11/2010, giá USD trên thị trường tự do đã vượt mức 21.500 đồng/USD, tức là cao hơn 10,25% so với tỷ giá niêm yết của ngân hàng. Nếu NHNN tiếp tục chấp nhận 2 thị trường ngoại tệ tồn tại song song với khoảng cách lớn, thì vấn đề tỷ giá khó có khả năng được giải quyết ngay trong tháng 12. Vì tới nay, chưa thấy các hành động cụ thể của NHNN đưa thêm nguồn cung USD ra thị trường. Tuy nhiên, rất có thể NHNN sẽ can thiệp khi giá USD tăng tới ngưỡng 22.000 đồng/USD, do tỷ giá quá cao sẽ tạo sức ép lớn lên lạm phát và giảm tác dụng của chính sách tiền tệ đang thực hiện. Tỷ giá ngoài tác động tới lạm phát và chi phí tài chính của DN, còn ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn ngoại vào Việt
(iii) Tăng trưởng tín dụng: Dòng tiền đã bị rút đáng kể với chọn lựa chính sách tiền tệ của NHNN. Tăng trưởng tín dụng còn lại của tháng 12 so với mục tiêu 25% cả năm 2010 khá khiêm tốn. Năm 2010, nhìn chung, tăng trưởng tín dụng không thấp, nhưng dòng tiền không chảy nhiều vào thị trường tiền tệ và khối DN tư nhân, nên hiệu quả thấp hơn năm 2009.
Có thể nói, từng yếu tố riêng biệt như thông tin tỷ giá hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay không còn tác động quá tiêu cực tới thị trường, do đã được thể hiện phần nào trong giá. Bức tranh tổng quát các yếu tố trên là điều NĐT nên quan tâm, do đây là thước đo về hiệu quả của chính sách tiền tệ điều chỉnh trong tháng 11. Nếu tỷ giá dần ổn định và mặt bằng lãi suất sau khi tăng phi mã trở lại mức hợp lý hơn sau 1 - 2 tháng tới, thì đây là tin tức tích cực đối với viễn cảnh thị trường năm 2011.
Lạm phát có thể giảm so với tháng 11, nhưng vẫn ở mức cao
Theo nhận định của chúng tôi, lạm phát tháng 12 sẽ giảm tương đối so với tháng 11, nhưng vẫn ở mức cao, do:
(i) Mặt bằng tỷ giá đang ổn định ở mức khá cao và phần nhiều đã được điều chỉnh vào lạm phát tháng 11;
(ii) Giá thực phẩm đang có xu hướng giảm sau khi liên tục tăng;
(iii) Giá cả tại khu vực miền Trung đang bắt đầu giảm sau khi cuộc sống của người dân vùng lũ ổn định trở lại;
(iv) Đây là thời điểm tiêu thụ của thời gian giáp Tết.
Dự kiến, lạm phát tháng 12 có thể ở mức xấp xỉ 1%, đưa lạm phát cả năm 2010 lên khoảng 10,5%. Nếu thị trường không phản ứng quá tiêu cực với CPI tháng 11, thì khả năng tác động của CPI tháng 12 tới TTCK không nhiều. Có thể nói, thị trường đã dần 'quen' với mặt bằng lạm phát cao trong thời gian gần đây và có thể kéo dài tới sau Tết âm lịch.
Kinh tế vĩ mô năm 2010 nhìn chung không đạt kỳ vọng của NĐT, nhưng mang lại nhiều cơ hội cho năm 2011
Trong tháng 12, bức tranh tổng quát của kinh tế vĩ mô Việt
TTCK không nhất thiết phải phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 11 kiểm chứng lại một lần nữa mối quan hệ phức tạp giữa tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại và diễn biến thị trường. VN-Index và HNX-Index tăng bất ngờ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao, CPI tháng 11 gần đạt mức đỉnh năm 2010 và tỷ giá đạt mốc kỷ lục mới. Có 2 hướng giải thích như sau:
(i) Thị trường đã phản ánh tất cả thông tin tiêu cực trong các đợt suy giảm trước; nhiều mã cổ phiếu giảm sâu tới mức đủ hấp dẫn để giải ngân sau khi tính đến các yếu tố rủi ro trên. Giá cổ phiếu quá 'rẻ' và đến mức đủ 'an toàn' là hai nhân tố chính giải thích cho hướng tiếp cận này.
(ii) Thị trường đang phản ánh kỳ vọng của NĐT vào tương lai của kinh tế vĩ mô Việt
Như vậy, nếu trong thời gian dài (tháng 7 - 11/2010) thị trường suy giảm để phản ánh lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và những lo ngại này đã được hiện thực hóa trong tháng 11, thì nhiều khả năng thị trường sẽ có cơ hội tạo ra xu hướng mới khi NĐT bắt đầu lạc quan hơn về triển vọng kinh tế trong năm 2011.
Tháng cuối năm - yếu tố nào có khả năng tạo nên 'bất ngờ'?
Tháng 12 có thể nói là tháng quan trọng nhất của các đơn vị đầu tư tài chính tổ chức, do đây là tháng kết thúc năm, ảnh hưởng lớn tới kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng… Do đó, tháng 12 có thể đón nhận thêm các yếu tố tác động tới xu hướng thị trường:
(i) Thanh khoản: Khi năm tài chính đến gần, nhóm NĐT tổ chức có xu hướng tái cơ cấu danh mục đầu tư mạnh mẽ hơn để phục vụ mục đích báo cáo cuối năm. Do đó, thanh khoản có cơ hội được cải thiện trong tháng 12. Với tình hình thị trường như hiện nay, thanh khoản đang quan trọng hơn rất nhiều so với việc chỉ số chứng khoán tăng hay giảm. Nếu thanh khoản duy trì trên 2.000 tỷ đồng/phiên, thì xu hướng bền vững hơn của thị trường có khả năng được xác lập.
(ii) Giá cổ phiếu: Trong nhiều năm trở lại đây, một trong những yếu tố được nhắc tới thường xuyên là việc các công ty tài chính “đỡ” giá trị tài sản ròng (NAV) trong 2 tuần cuối tháng 12 để “làm đẹp” báo cáo tài chính. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì thị trường có thể có nhiều bất ngờ trong tháng cuối cùng của năm 2010.
Tóm lại, 2 phiên giao dịch “thăng hoa” của cuối tháng 11 không có nghĩa đã đủ để khẳng định thị trường bắt đầu xác lập một xu hướng tăng bền vững. Khi thị trường ngắn hạn vẫn chịu nhiều sức ép vĩ mô và hiệu quả của chính sách tiền tệ là ẩn số đối với thị trường trung và dài hạn, thì khả năng chốt lời ngắn hạn của NĐT để bảo toàn nguồn vốn vẫn cao. Đặc biệt là khi dòng tiền đầu cơ đang manh nha trở lại thị trường, thì biến động của chỉ số chứng khoán sẽ bị méo mó khá nhiều.
Thị trường tháng 12 tiềm ẩn nhiều cơ hội hơn so với tháng 10 và 11, nhưng lại đi kèm với những rủi ro mới. Do đó, NĐT nên tiếp cận chiến lược chốt lời ngắn hạn trong các chu kỳ điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn hiện nay.