Tháng 12, lo ngại sóng giảm dài

Tháng 12, lo ngại sóng giảm dài

(ĐTCK) “Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, tôi cho rằng, VN-Index đã thiết lập đỉnh tại vùng 620 điểm. Với diễn biến giảm hiện tại, tôi quan ngại thị trường có thể bước vào xu hướng giảm giá trung hạn”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển Môi giới Tư vấn, CTCK VNDirect chia sẻ. 

Cơ sở cho nhận định trên của ông là gì?

Thứ nhất, TTCK đã có 2 năm dao động trong vùng 510 - 640 điểm, với nhiều lần sóng lên và sau đó quay lại mức 510 điểm. Đỉnh của sóng tăng vừa rồi (620 điểm) thấp hơn đỉnh của các sóng tăng trước (640 điểm) cho thấy dòng tiền yếu hơn và sóng giảm xảy ra có thể khiến việc giữ chỉ số ở lại vùng 510 điểm khó khăn hơn.

Tháng 12, lo ngại sóng giảm dài ảnh 1

Ông Nguyễn Trung Du

 

"Tôi đánh giá, tháng 12 năm nay và cả năm sau sẽ là giai đoạn khó khăn của TTCK. Kịch bản tích cực nhất là thị trường dao động nhẹ như 2 năm trước, nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện các đợt giảm sâu khi thị trường hình thành sóng giảm dài"

Thứ hai, nhiều nhóm cổ phiếu lớn đi ngược dòng và lầm lũi giảm trong suốt đợt tăng của VN-Index, điển hình là nhóm dầu khí, ngân hàng, chứng khoán và một số doanh nghiệp tư nhân lớn như HAG, TCM, HVG… Điều này khá khác thường so với các sóng tăng trước đây, nó cho thấy nhiều tổ chức có quan điểm tiêu cực về xu hướng thị trường nên âm thầm bán ra. Tất nhiên, có một số cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của Red River Holding.

Quan sát diễn biến của từng nhóm cổ phiếu cho thấy, hầu hết các cổ phiếu lớn đã tạo các đỉnh và việc vượt đỉnh này trong 1 - 1,5 năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn, ngoại trừ một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh nổi bật (có thể là BMP, CTD, NCT…).

Dự báo, nhiều nhóm cổ phiếu như dầu khí, ngân hàng… khó có cơ hội vượt đỉnh đã thiết lập trong vòng 1 năm tới, nên cơ hội để VN-Index vượt đỉnh 640 điểm lên mức 700 điểm như nhiều người kỳ vọng là không nhiều. Trong khi đó, các cổ phiếu này theo cách nhìn của tôi vẫn đang trong sóng giảm lớn, một số ít mã như VNM khó có thể chống đỡ về điểm số cho VN-Index.

Thứ ba, ở khía cạnh dòng tiền, dòng vốn ngoại vào thị trường trong năm 2015 yếu hơn nhiều so với năm 2013 - 2014. Áp lực từ việc Fed sắp nâng lãi suất có thể khiến dòng vốn ngoại trong năm sau khó khăn hơn, thậm chí là quay sang rút ròng. Đối với dòng vốn nội, các luồng tiền trong nước vài năm gần đây có dấu hiệu kiệt quệ bởi các đợt tăng vốn ồ ạt của nhiều doanh nghiệp (năm 2014, mức tăng vốn toàn thị trường là hơn 10.000 tỷ đồng).

Do đó, tôi đánh giá, tháng 12 năm nay và cả năm sau sẽ là giai đoạn khó khăn của TTCK. Kịch bản tích cực nhất là thị trường dao động nhẹ như 2 năm trước, nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện các đợt giảm sâu khi thị trường hình thành sóng giảm dài. Thị trường năm 2016 sẽ có cơ hội lớn nếu MSCI nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. 

Ông có thể cho biết diễn biến giao dịch của các NĐT nước ngoài và dự báo xu hướng sắp tới?

Năm nay, dòng vốn ngoại vào thị trường không nhiều. Những tháng gần đây, luồng tiền vào chủ yếu từ các dạng đầu tư nóng như Pnote (chứng chỉ tham gia đầu tư) và một số doanh nghiệp tầm trung được khối ngoại (chủ yếu là Muntual Fund Elite) mua vào như DLG, CEO, HBC…, nhưng hiện cũng đã chững lại.

Dòng vốn từ 2 quỹ ETF lớn là VNM ETF, DB ETF không thực sự tích cực và luồng vốn ngoại mang tính chất đầu tư vào các cổ phiếu blue-chips không xuất hiện nhiều. Mức độ chiết khấu của cả 2 quỹ ETF hiện khá cao nên rủi ro rút tiền trong tháng 12 khá rõ rệt. Vài phiên gần đây, các quỹ này bắt đầu bán ròng cổ phiếu, chủ đạo là các blue-chips.

Trong đợt tái cơ cấu danh mục đầu tư (review) vào cuối tháng 12 tới của các quỹ ETF, một vài mã có thể được thêm vào danh mục hoặc mua thêm như HHS, HPG, SBT, SSI…, nhưng như thế thì các quỹ này sẽ phải bán ròng khá mạnh các mã blue-chips khác đang có trong danh mục.

Do đó, kỳ review cuối tháng 12 sẽ khá tiêu cực cho bình diện chung của thị trường về điểm số. Hơn nữa, áp lực thoái vốn từ Red River Holding vẫn còn.

Đánh giá chung của tôi với dòng vốn ngoại trong tháng 12 và năm 2016 là “mong manh” và rủi ro rút ròng là cao, ngoại trừ trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng. 

Tín hiệu tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến TTCK, theo ông?

Khả năng tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 12 này là khá cao khi các thông số vĩ mô đã gần đạt các yêu cầu họ đặt ra ban đầu. Nhưng cách hành xử của Fed sẽ mềm dẻo với từng mức tăng chậm có định hướng.

Hơn nữa, tâm lý chung trên các thị trường tài chính đã chuẩn bị khá đầy đủ cho việc tăng lãi suất của Fed được đánh tiếng cả năm nay. Do đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ không quá bất ngờ và không gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới, nhưng với Việt Nam thì áp lực tỷ giá sẽ tăng.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vừa được đưa vào rổ dự trữ của IMF (có hiệu lực từ 1/10/2016), có thể tạo thêm áp lực lên đồng nội tệ, điều này sẽ gây hệ lụy tới vấn đề tỷ giá vốn đang nóng dần lên của Việt Nam. Hiện tỷ giá USD/VND đã tăng gần chạm mức trần của NHNN là 22.547 đồng/USD.

Năm 2015, tỷ giá USD/VND tăng 5%, một mức tăng khá cao so với quyết tâm giữ trong biên độ 2% của NHNN. Năm 2016, một số tổ chức dự báo, NHNN có thể sẽ phá giá tiền đồng ở mức 4 - 5% so với USD.

Ngoài những yếu tố tác động từ Fed và đồng nhân dân tệ thì áp lực tỷ giá cũng đến từ tình trạng nhập siêu của năm nay, nên câu chuyện tỷ giá năm sau sẽ khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK. Trong khi đó, câu chuyện nợ công và thâm hụt ngân sách của Việt Nam cũng đang nóng dần. Như trao đổi cách đây mấy tuần với ĐTCK, tôi bảo lưu quan điểm, năm sau, vấn đề tỷ giá và nợ công sẽ là áp lực lớn đối với điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như tạo ra rủi ro cho TTCK.

Tin bài liên quan