DN trên sàn có cách xác định riêng
Nếu như Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn văn bản này được coi là miếng ghép thứ nhất của hệ thống chính sách nới room cho NĐT nước ngoài, thì Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư được coi là miếng ghép quan trọng thứ hai.
Tuy nhiên, sau khi nội dung của miếng ghép thứ hai được công bố và sắp có hiệu lực (27/12/2015), thì vẫn còn nhiều câu hỏi từ phía DN đặt ra. Đó là, tuy Luật Đầu tư đã quy định, DN Việt Nam mà có NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì được coi và được pháp luật về đầu tư đối xử là NĐT nước ngoài, nhưng có phải tỷ lệ này chỉ áp dụng đối với hình thức đầu tư trực tiếp?
Với hình thức đầu tư gián tiếp, nếu cũng áp dụng tỷ lệ 51% thì đây là tỷ lệ thấp, nhiều DN không muốn nới room từ mức 49% hiện tại, vì một số bất lợi khi trở thành NĐT nước ngoài.
“Nếu vì nới room dẫn đến khối ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên mà công ty bị xem là NĐT nước ngoài, thì chúng tôi sẽ không nới room. Bởi lẽ, khi trở thành NĐT nước ngoài, công ty chịu nhiều hạn chế về tiếp cận thị trường, cung cấp sản phẩm, dịch vụ…”, lãnh đạo một công ty niêm yết nói và cho rằng, đây cũng là tâm tư của nhiều DN niêm yết khác.
“Đến ngày 27/12/2015, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn chỉnh việc rà soát và hệ thống hóa điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Có những ngành nghề chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, nên sẽ còn vướng mắc. Tuy nhiên, số ngành nghề này không nhiều, sẽ được xử lý theo hướng đã được quy định tại Nghị định 118 là Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ KH&ĐT và bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh.
Một câu hỏi khác mà nhiều DN đặt ra từ lâu, đến nay cũng chưa có câu trả lời: tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại nhiều DN niêm yết biến động hàng ngày, vậy căn cứ vào đâu để chốt tỷ lệ này, trên cơ sở đó xác định DN là NĐT nước ngoài?
Giải đáp những câu hỏi trên, tại VBF cuối kỳ 2015 vừa diễn ra, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, Nghị định 60 cho phép NĐT nước ngoài sở hữu đến 100% vốn điều lệ của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy định này phát sinh vướng mắc là: khi nào DN được xác định là NĐT nước ngoài? Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) trong quá trình soạn thảo và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 118.
Văn bản này quy định: khi đầu tư, giao dịch chứng khoán trên TTCK, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở GDCK và quỹ đại chúng chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán về thủ tục đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT hướng dẫn thực hiện quy định này.
“Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn chi tiết vấn đề trên và đang gửi lấy ý kiến Bộ KH&ĐT, dự kiến ban hành trong tháng 12 này. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nếu NĐT nước ngoài sở hữu từ 65% vốn điều lệ của DN trên sàn liên tục 1 năm trở lên, thì DN đó được coi là NĐT nước ngoài”, ông Bằng nói.
Ngày 27/12 chốt điều kiện với NĐT ngoại
Một vướng mắc khác được cộng đồng NĐT, DN nêu ra tại VBF 2015 là hiện điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được cập nhật. Điều này đang gây khó cho DN, vì không biết mình có trong diện được phép nới room hay không?
Giải đáp thắc mắc trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: “Chúng tôi muốn công bố toàn bộ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng hiện chưa thể thực hiện do nhiều bộ, ngành chưa làm được điều này.
Bởi vì, theo cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương, ngành nghề nào cho phép NĐT nước ngoài tham gia thì đã ghi rõ (nguyên tắc chọn - cho), còn những ngành, lĩnh vực nào cấm, thì chưa thể ghi rõ toàn bộ. Điều này có mâu thuẫn với nguyên tắc rất tiến bộ trong cả hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là nguyên tắc chọn - bỏ (cấm tham gia ngành, lĩnh vực nào thì ghi trong luật), nên phát sinh khó khăn.
“Đến ngày 27/12/2015, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn chỉnh việc rà soát và hệ thống hóa điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Có những ngành nghề chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, nên sẽ còn vướng mắc. Tuy nhiên, số ngành nghề này không nhiều, sẽ được xử lý theo hướng đã được quy định tại Nghị định 118 là Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ KH&ĐT và bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Vinh nói.
Trên thực tế, hiện có nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện không đặt ra điều kiện về giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của bên nước ngoài, nên DN không gặp khó khi nới room. Qua đối chiếu, rà soát, nếu DN nhận thấy một số ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tuy DN đăng ký nhưng trên thực tế không triển khai kinh doanh) mà không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, thì các DN nên tính toán loại bỏ những ngành nghề này ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khi đó sẽ thuận lợi hơn trong việc nới room.