Thông tin tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 12/2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với các đơn vị thành viên cho thấy nền kinh tế toàn cầu, thực tế tình hình vĩ mô, thị trường đều khó khăn hơn rất nhiều so với dự báo, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam.
Cụ thể, 2 chỉ số quan trọng của Tập đoàn là huy động điện giảm đến 14,6%, huy động khí giảm 8,4%.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng diễn biến bất lợi, giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Trong tháng 11, giá dầu thế giới đã có tuần thứ 5 giảm giá liên tiếp kể từ giữa tháng 10. Tính trung bình 11 tháng, giá dầu giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Các loại sản phẩm xăng dầu trong tháng 11 giảm từ 1% đến 9% so với trung bình tháng 10. Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2022, ngoại trừ dầu FO, giá các sản phẩm còn lại đều giảm từ 2-12%.
Đáng chú ý, mức giá tháng 11 năm nay của tất cả các sản phẩm đều thấp hơn mức trung bình của cả năm 2022. Giá urê cũng giảm mạnh, lũy kế từ đầu năm đến nay trung bình giảm hơn 22%, nhu cầu trong nước và xuất khẩu thấp, tiêu thụ khó khăn.
Đặc biệt, trong tháng 11 cầu thị trường rất thấp nên tồn kho các sản phẩm lọc dầu, phân bón ở mức cao.
Dù chịu tác động rất tiêu cực của các yếu tố khách quan, thị trường nhưng nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cụ thể, Petrovietnam vẫn tiếp tục duy trì nhịp độ sản xuất kinh doanh, đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô tháng 11 đạt 0,86 triệu tấn, tăng 1,7% so với thực hiện tháng 10 (trong đó, khai thác dầu thô trong nước tăng 2,7%); sản lượng điện của riêng Tổng công ty Điện lực Dầu khí tăng 4%; mặt hàng phân bón NPK tăng 95,1%; sản phẩm polypropylen tăng 7,2% so với tháng 10.
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 (xăng dầu tăng 4,1%, urê tăng 4,6%, NPK tăng 3,2 lần, LPG tăng 3,6%, polypropylen tăng 12%).
Lũy kế 11 tháng, ngoại trừ chỉ tiêu NPK (đạt 76%), sản xuất khí (đạt 95,5%) và sản xuất điện (đạt 97,6%) chủ yếu do các nguyên nhân khách quan, các chỉ tiêu sản xuất còn lại của Tập đoàn đều vượt từ 2,3 - 28% so với kế hoạch.
Trong tháng 11, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 89.000 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 10; nộp ngân sách nhà nước (không bao gồm Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn) đạt 13.100 tỷ đồng.
Lũy kế 11 tháng, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 833.600 tỷ đồng, vượt 34% so với kế hoạch 11 tháng, vượt 23% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 134.000 tỷ đồng, vượt 86% kế hoạch 11 tháng và vượt 71% so với kế hoạch năm.
Dự báo hết năm 2023, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao so với năm 2022, đặc biệt là chỉ tiêu đầu tư có nhiều khởi sắc, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ.
Các mặt công tác khác tiếp tục được triển khai tích cực. Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số và ERP; kiên trì tái tạo văn hóa doanh nghiệp với mục tiêu “Tái tạo văn hóa đi trước, củng cố, tạo đà cho tái tạo kinh doanh”.
Trong tháng 11, có 5 doanh nghiệp thuộc Petrovietnam được trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” do Hội đồng Quốc gia xét duyệt. Đến nay, Petrovietnam cùng với 11 đơn vị thành viên đã được trao chứng nhận này, trong tổng số 54 doanh nghiệp được chứng nhận trên cả nước. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng với tổng kinh phí đạt 217,5 tỷ đồng trong 11 tháng.
Sản xuất phân đạm tại các đơn vị thành viên Petrovietnam |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Petrovietnam cũng nhận diện nhiều khó khăn rất lớn đã diễn ra và sẽ tiếp diễn trong năm 2024 như việc duy trì sản lượng khai thác trong điều kiện đà suy giảm sản lượng tự nhiên lớn ở nhiều mỏ chủ lực; tiêu thụ khí, điện khó khăn do huy động thấp và liên tục sụt giảm mạnh, cầu thị trường yếu; động lực với việc tăng giá dầu không nhiều dẫn đến tác dụng của việc OPEC+ cắt giảm sản lượng không còn được như trước, nguồn cung ngoài OPEC có xu hướng tăng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp.
Tổng giám đốc Petrovietnam cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trong tháng 12 và thời gian tới như tập trung tăng tối đa sản lượng khai thác dầu, tìm kiếm giải pháp, động lực cho việc duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng, trong đó đặc biệt là tập trung triển khai các dự án đưa vào khai thác năm 2024, các dự án trọng điểm như Lô B, Ô Môn 3, Ô Môn 4.
Đồng thời tăng cường công tác nhận định, dự báo cung cầu, tồn kho và năng lực sản xuất, tận dụng cơ hội gia tăng hoạt động sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu; rà soát, đánh giá, dự báo về huy động khí, điện, thúc đẩy các giải pháp về thị trường tiêu thụ; rà soát, tối ưu công tác đầu tư, cân đối vốn, dòng tiền đầu tư; đánh giá thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cùng với kế hoạch tài chính để tăng cường quản trị vốn, dòng tiền.