Kiểm tra tiến độ thi công dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP HCM chiều 29/8, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định tính cấp thiết của công trình trong bối cảnh chuẩn bị phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán 2021.
Đây là dự án mang tính khẩn cấp, vừa hoàn thiện hồ sơ thiết kế vừa tổ chức thi công. Hiện Tổng công ty Cửu Long là đơn vị thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý dự án với liên danh ba nhà thầu thực hiện, gồm: Tập đoàn Cienco4, Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) và Công ty 647.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, trên công trường mỗi ngày hiện có khoảng 500 công nhân, chia thành 12 mũi thi công ngày đêm. Máy móc, thiết bị và vật liệu cũng liên tục được tập kết.
Kế hoạch đường băng 25R/07L đến 31/12 hoàn thành nhưng hiện thi công vượt tiến độ 18%.
Dự kiến giữa tháng 11 hoàn thiện và một tháng rưỡi sau đó, đường băng được thử nghiệm để đưa vào khai thác đầu năm 2021.
Hiện đơn vị thi công cào bóc toàn bộ lớp bêtông nhựa của đường băng, bề rộng gần 46 m, dài 3,4 km và tăng cường kết cấu bêtông xi măng với bề dày khoảng 40 cm.
Thi công kết cấu mặt bêtông được yêu cầu nhiệt độ không quá 35 độ C nên chủ yếu thực hiện ban đêm.
Đánh giá tiến độ bước một của của công trình cơ bản đáp ứng, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án hiện có nhiều vướng mắc.
Đặc biệt hồ sơ thiết kế đến nay chưa phê duyệt, làm "bị động" nhiều đầu việc tiếp theo như khâu thẩm định, phê duyệt dự toán ở các hạng mục đường lăn, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, mua thiết bị...
"Đầu tháng 9, hồ sơ thiết kế phải được xem xét phê duyệt và dự toán, sau đó thực hiện các giao thầu, tìm nhà cung cấp thiết bị phù hợp, đủ năng lực...", ông Thể nói và giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tập trung xử lý vấn đề này, đảm bảo đúng quy trình và chất lượng thiết kế.
Máy móc, công nhân tập kết thi công đường băng 25R/07L Tân Sơn Nhất, chiều 29/8. |
Liên quan đến nguồn vốn cho giai đoạn một của dự án hiện cần thêm hơn 300 tỷ đồng, ông Thể khẳng định "không thiếu" và sẽ báo cáo Chính phủ để bổ sung.
Đồng thời, ông chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán đối với hệ thống đèn tín hiệu tại các đường băng phải thống nhất về công nghệ bởi liên quan trực tiếp đến an toàn bay.
Lý do là tại đường băng khác của sân bay, hiện sử dụng hệ thống đèn cũ nhưng ở đường băng cải tạo tính sử dụng hệ thống mới.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng cho rằng hiện ảnh hưởng Covid-19, số chuyến bay giảm và đó là điều kiện thuận lợi để thi công sớm các đường lăn ở đầu hai đường băng.
Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng song song. Đường 25R/07L trong lúc cải tạo, máy bay sẽ cất hạ cánh trên đường băng còn lại là 25L/07R, dài 3,8 km, rộng 45 m.
Quá trình thi công đường băng cũng được yêu cầu tuyệt đối an toàn, đảm bảo hoạt động tại sân bay liên tục.
Trước đó, tại lễ khởi công hai dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, cho biết năng lực khai thác các chuyến bay trên một đường băng sẽ giảm 30-35% so với khai thác hai đường băng.
Trước đây, mỗi giờ có 44 chuyến bay tại Tân Sơn Nhất nay sẽ giảm còn 32 chuyến. Tại Nội Bài từ 32 chuyến sẽ giảm xuống còn 29 chuyến.
Dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất thực hiện cùng lúc với dự án cải tạo đường băng Nội Bài ở Hà Nội hôm 29/6 với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án thực hiện nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song; nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu...
Thời gian thi công chia làm hai giai đoạn, đầu tiên trong 6 tháng, sau đó là 14 tháng.
Từ năm 2017 đến nay, các đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như Airbus A350-900, Boeing B787-9 và B787-10.