Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các công ty chứng khoán thuộc Top đầu về thị phần môi giới đều có dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ ở mức cao. Tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dư nợ margin thời điểm cuối quý II/2017 là 3.924 tỷ đồng và thời điểm cuối quý III cao hơn mức này. SSI hiện đang dẫn đầu thị trường về thị phần môi giới và dư nợ margin.
Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán trong quý III/2017 tăng khá mạnh. Một số công ty phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp nên chủ động hơn về nguồn vốn.
Cuối tháng 9/2017, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tại HSC khoảng 3.400 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với quý II/2017, đạt mức cao nhất trong vòng gần 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, với nguồn vốn dành cho hoạt động margin khoảng 4.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 2.300 tỷ đồng) thì dư địa cho vay margin tại HSC còn khá rộng.
Cũng theo HSC, chuyển biến của tích cực của thị trường chứng khoán trong quý III/2017 đã hỗ trợ các công ty chứng khoán đạt được hiệu quả kinh doanh cao, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vốn và vẫn còn nhiều cơ hội đối với thị trường chứng khoán những tháng cuối năm. Dự báo, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan, thanh khoản ở mức cao, nên ngoài phí môi giới chứng khoán, các công ty chứng khoán sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ hoạt động cho vay margin.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, dư nợ margin tại VCSC thời điểm cuối quý III/2017 tăng so với mức dư nợ margin trên 2.000 tỷ đồng thời điểm cuối quý II, song tăng không nhiều.
“VCSC duy trì quan điểm cho vay margin trong tầm kiểm soát và dựa trên những tiêu chí chặt chẽ, chứ không đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng”, ông Bảo nói.
Lãnh đạo VCSC cho biết, với mục đích đáp ứng nguồn vốn cho vay ký quỹ nhằm tăng năng lực cạnh tranh với các công ty chứng khoán khác, đồng thời đảm bảo vị trí Top 3 thị phần môi giới, Công ty vừa phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi dành cho 300 nhà đầu tư là các cá nhân và tổ chức cả trong và ngoài nước. Công ty sẽ tiếp tục có các đợt phát hành trái phiếu huy động vốn trong thời gian tới.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) khu vực phía Bắc nhận xét, dư nợ margin trên toàn thị trường hiện nay đang ở mức cao. Thị trường tăng trưởng, quy mô vốn hóa tăng thì dư nợ tăng là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, việc một số công ty chứng khoán đang bị chạm hoặc gần chạm hạn mức khung margin có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền đổ vào thị trường trong tương lai gần.
“Nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng margin trong tuần đầu tháng 10 để tránh bị áp lực giảm giá trong ngắn hạn, nhưng không nên bán hết danh mục các cổ phiếu cơ bản tốt, bởi xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang tiếp diễn”, ông Chung khuyến nghị.
Một số ý kiến cho rằng, xu hướng nới lỏng trong chính sách tiền tệ giúp dòng tiền, qua nhiều con đường, được duy trì tốt trên thị trường cổ phiếu và ghi nhận sự cải thiện tương đối tích cực. Khối công ty chứng khoán cũng chủ động và "dễ hơn" trong việc huy động vốn. Bên cạnh một số công ty chứng khoán lớn đã và đang có các phương án tăng vốn để mở rộng quy mô, trong đó có mục đích tăng nguồn cho vay margin, thì nhiều công ty chứng khoán nhỏ vẫn đang tài trợ margin bằng vốn vay ngân hàng.
Điểm đáng nói là một số công ty chứng khoán cho vay margin ở mức cao đối với những cổ phiếu đầu cơ, có mã đã ghi nhận mức tăng giá mạnh, từ 50 - 70%, thậm chí có mã tăng hơn 100% so với đầu năm.
Đối với các mã "nóng", cơ hội lợi nhuận rất mong manh, nhưng rủi ro là hiện hữu. Bức tranh dòng margin tại các công ty chứng khoán cần chờ thêm 3 tuần nữa để hiển lộ (công bố báo cáo tài chính quý III). Tuy nhiên, câu chuyện về dòng margin tháng 10 có còn dồi dào không để hỗ trợ tăng trưởng đang là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư.