Nên cân nhắc kỹ
Trải qua nhiều vòng thảo luận và gần đây dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 kết thúc vào tháng 6/2015, dự thảo Luật tiếp tục đưa ra lấy kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra.
Một trong những vấn đề lớn của dự án Luật, mà Ủy ban Tư pháp trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, quyết định là trong khi đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành về số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các cơ quan: kiểm ngư, thuế, UBCK.
Lý do ủng hộ việc trao thẩm quyền điều tra cho UBCK là bởi tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng nhiều, với thủ đoạn ngày một tinh vi. Việc bổ sung quy định UBCK là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở với lĩnh vực có tính chất đặc thù như chứng khoán. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, cơ quan này được giao thẩm quyền điều tra. Việc giao cho UBCK thẩm quyền điều tra ban đầu, sẽ góp phần giảm tải cho các cơ quan điều tra chuyên trách...
Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi đề xuất trao thẩm quyền điều tra cho kiểm ngư nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, cả hai đầu mối thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính là UBCK và cơ quan thuế đều không nhận được nhiều ý kiến ủng hộ với lý do “chưa thực sự cần thiết”, “nên cân nhắc kỹ”…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Có cần thiết giao thêm một số thẩm quyền điều tra cho các cơ quan khác như cơ quan thuế, UBCK không? Thực tế là chưa cần thiết, vì thêm nhiều cơ quan có quyền bắt người sẽ rất phức tạp. Nếu cơ quan thuế và UBCK cần được trao quyền điều tra ban đầu, thì cơ quan thanh tra cũng cần như vậy? Nên cẩn thận và cân nhắc kỹ việc mở rộng thẩm quyền điều tra đối với một số cơ quan như quy định trong dự thảo Luật. Điều tra phải từ đầu, độc lập và chịu trách nhiệm về kết luận đúng, sai, oan. Nếu giao thẩm quyền điều tra đan chéo cho nhiều cơ quan, sẽ rất khó cho việc thực thi sau này”.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, việc giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế và UBCK là không hợp lý, vì nhiều lĩnh vực trên thực tế còn phức tạp hơn và cần trao quyền điều tra như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... “Việc tăng thêm cơ quan điều tra vừa chồng chéo chức năng, vừa không tinh gọn đầu mối theo quan điểm của Bộ Chính trị...”, ông Khánh nói.
Kết luận 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ: giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách trong công an, quân đội và ngành kiểm sát như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ…
Chờ Quốc hội định đoạt
Trong bối cảnh còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên trao thẩm quyền điều tra cho UBCK, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nên có thể thiết kế thành 2 phương án để Quốc hội biểu quyết.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trên, dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự tiếp tục được hoàn chỉnh trong thời gian tới, để theo kế hoạch sẽ được trình ra Quốc hội quyết biểu trong kỳ họp thứ 10 diễn ra vào cuối năm nay. Khi đó, việc có hay không trao thẩm quyền điều tra cho UBCK sẽ được Quốc hội định đoạt.