Cụ thể, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đang thúc đẩy các thỏa thuận lớn ngay cả khi tình trạng bất ổn địa chính trị ngày càng tồi tệ và thị trường e ngại về cuộc chiến Israel-Hamas đang leo thang. Gần nhất, Chevron Corp. đã công bố thương vụ mua lại Hess Corp. trị giá 53 tỷ USD để tăng gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch, trong khi Vista Equity Partners đồng ý mua công ty phần mềm EngageSmart Inc. trong một thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, hơn 139 tỷ USD mua lại các công ty đại chúng của Mỹ đã được công bố vào tháng 10. Con số này gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu khối lượng cao nhất tính theo tháng kể từ tháng 6/2019. Bốn trong số năm thương vụ M&A lớn nhất trên toàn cầu trong năm nay đã được công bố trong 2 tháng qua.
Cũng có rất nhiều hoạt động ở những nơi khác, như nhà sản xuất dược phẩm Thụy Sĩ Roche Holding AG thông báo rằng, họ sẽ trả 7,1 tỷ USD để sở hữu giải pháp điều trị bệnh viêm ruột. Trong khi đó, Reliance Industries Ltd. của tỷ phú Mukesh Ambani đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD cho các hoạt động của Walt Disney Co. tại Ấn Độ.
Tập đoàn Microsoft đã hoàn tất việc mua Activision Blizzard Inc. trị giá 69 tỷ USD trong tháng này, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 2 năm, có khả năng mang lại niềm tin cho các công ty khác rằng họ có thể giành chiến thắng trước các cơ quan chống độc quyền.
Giao dịch lớn nhất trong năm, thương vụ mua lại Pioneer Natural Resources Co. của Exxon Mobil Corp. với giá 60 tỷ USD, diễn ra chưa đầy 2 tuần trước. Những người có hiểu biết về vấn đề này cho hay, nhiều thỏa thuận khác có thể đang được thực hiện, với việc Devon Energy Corp. đang nghiên cứu các mục tiêu mua lại lớn bao gồm Marathon Oil Corp. để giúp công ty này đạt được quy mô trong lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ.
Các nhà sản xuất dược phẩm cũng đã hoạt động tích cực, với việc Bristol Myers Squibb Co. trong tháng 10 đồng ý mua công ty công nghệ sinh học Mirati Therapeutics Inc. để bổ sung nguồn cung thuốc.
Goldman Sachs Group Inc. đã giành được vị trí hàng đầu với tư cách là cố vấn M&A tích cực nhất trên toàn cầu từ đầu năm đến nay, với 26% thị phần; theo sau là Morgan Stanley với 22% thị phần, JPMorgan Chase & Co. với 21% thị phần.
Hoạt động M&A toàn cầu đã tăng lên trong quý III, theo nghiên cứu về các giao dịch đã hoàn thành từ Bộ phận Giám sát hiệu suất giao dịch hàng quý, Công ty tư vấn Willis Towers Watson (WTW). Khối lượng toàn cầu tăng 16%, với 151 giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD được hoàn thành từ tháng 7 đến tháng 9, khiến đây trở thành quý bận rộn nhất trong năm.
Bất chấp hoạt động giao dịch tăng trưởng, các giao dịch lớn (trị giá hơn 1 tỷ USD) vẫn sụt giảm về số lượng bắt đầu từ năm 2021, với 32 giao dịch được hoàn tất trong quý III/2023. Trong cùng quý năm 2022 và 2021, 50 và 67 thương vụ lớn lần lượt được hoàn thành.
Ông David Dean, Giám đốc điều hành Bộ phận Tư vấn M&A của WTW cho biết, lãi suất tăng dẫn đến chi phí tài chính cao hơn, sự giám sát chống độc quyền gia tăng và thái độ thận trọng hơn từ những người cho vay khiến các giao dịch lớn, phức tạp có tốc độ chậm chạp hơn.
“Mặc dù còn quá sớm để khẳng định sự quay trở lại, nhưng sự phục hồi gần đây về khối lượng giao dịch giữa các khu vực cho thấy nhu cầu bị dồn nén, với hoạt động M&A được dự đoán sẽ cải thiện khi các nhà giao dịch bước vào quý cuối cùng và bận rộn nhất trong năm”, ông David Dean nói.
M&A vẫn là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của nhiều công ty.
Dữ liệu M&A cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực vượt trội. Trong quý thứ 9 liên tiếp, người mua trong khu vực đã hoàn tất 35 giao dịch trong quý III/2023. Con số này cũng thể hiện mức tăng 5 giao dịch so với quý trước đó.
Những người mua từ cả Bắc Mỹ và châu Âu đều chứng kiến hoạt động giao dịch gia tăng tương tự. Người mua ở Bắc Mỹ đã hoàn thành 77 giao dịch từ trong quý III, tăng 12% so với quý II.
Trong khi đó, người mua từ châu Âu hoàn thành 32 giao dịch trong quý III, tăng so với cả quý I và quý II. Tuy nhiên, trái ngược với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những công ty mua lại ở Bắc Mỹ và châu Âu lại có chỉ số hoạt động kém hơn khi lần lượt giảm 10,3% và 3,4%.
Ngoại trừ lĩnh vực năng lượng/điện và công nghiệp, nơi các giao dịch M&A ghi nhận hiệu quả hoạt động khá tích cực, lần lượt tăng 1,5% và 1,9%, tất cả các ngành khác, bao gồm công nghệ cao (giảm 18,5%) và dịch vụ tài chính (giảm 7,2%) đều hoạt động kém hiệu quả.
Ông David Dean cho biết: “Hoạt động M&A được dự đoán sẽ tăng tốc, các công ty cần sẵn sàng xác định đúng mục tiêu, đối tượng M&A phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình, điều giúp các quy trình thẩm định được đẩy nhanh. Quan trọng trên hết là đảm bảo tuyển đúng người để tối đa hóa giá trị M&A”.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (28/11/2023).
Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến sẽ thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.
Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các Doanh nghiệp & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023. Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.
Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55