Lo ngại về khó khăn nội tại từ hệ thống ngân hàng được nhiều chuyên gia nhắc tới bên cạnh hàng loạt thách thức được nhận diện từ tác động ngày càng trực diện của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới Việt Nam. Đại diện IMF cho rằng, mặc dù các nhà tài trợ rất đồng tình với những báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khả năng kiểm soát, xử lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp, song những dấu hiệu căng thẳng, nhất là chất lượng tài sản, vẫn đang hiển hiện. Thông tin chính xác và cập nhật là điều mà các nhà tài trợ khuyến cáo đối với các ngân hàng, đảm bảo để Ngân hàng Nhà nước có được những thông tin xác thực về tài khóa, tiền tệ, đảm bảo hơn chất lượng và sự linh hoạt của chính sách.
Theo IMF, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tiếp tục thận trọng trong việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ của mình trên nguyên tắc cân nhắc mục tiêu ổn định và tăng trưởng, giảm bớt sức ép với tiền đồng, đưa ra những chính sách cân đối hơn nữa để có thể tính toán tới việc mở rộng biên độ giao dịch. Chính sách tài khóa cũng cần đáp ứng được yêu cầu mở rộng thị trường cũng như tăng cường nguồn dự trữ ngoại tệ.
"Việc can thiệp một chiều thường đem đến những hiệu quả không mong muốn trong thời gian tới", đại diện IMF nói khi nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn quá mong manh để thực hiện nhanh việc mở rộng chính sách tiền tệ, tài khóa.
Hơn thế, việc giải quyết ngay những bất cân đối trong hoạt động của hệ thống ngân hàng có thể nảy sinh do những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế phải được thực hiện ngay. "Cải cách cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn này sẽ không chỉ đảm bảo động lực duy trì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, mà còn tăng cường hơn niềm tin của nhà đầu tư sau khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn", đại diện IMF nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Martin Rama, Trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng khẳng định rằng, Việt Nam đang cần những phân tích, đánh giá chính xác về tác động của cuộc khủng hoảng để có được những phản ứng chính sách phù hợp.
"Tôi cho rằng, Việt Nam đã ứng phó với cuộc khủng hoảng đầu năm 2008 với phản ứng về chính sách tiền tệ và cuộc khủng hoảng tiếp theo đây là bằng chính sách tài khóa. Vấn đề là phối hợp tốt, tận dụng các nguồn lực hiện có để ứng phó với các tác động một cách linh hoạt", ông Martin khuyến nghị.
Vấn đề lớn của Việt Nam nằm ở sự hạn chế nguồn lực. Chính vì vậy, hiệu quả sử dụng nguồn lực được cho là ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp chính sách hiện nay. WB đã có bản kiến nghị 7 điểm cần ứng phó với khủng hoảng kinh tế dành cho Việt Nam.
Đó là gắn kết các hoạt động đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu cẩn trọng đã xảy ra trong năm 2007; xây dựng chính sách hấp dẫn trong quan hệ đối tác công - tư; cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là tập trung quản lý các định chế tài chính, tập đoàn tài chính nhằm đảm bảo kiểm soát tốt hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước; tăng cường minh bạch, công khai trong thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm cải thiện niềm tin của nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, các dự án lớn; cải thiện quy trình mua sắm đầu tư công; nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu tài chính công…