Nhu cầu vừa được bảo vệ, vừa có thể tìm kiếm lợi nhuận của khách hàng bảo hiểm ngày càng cao. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu vừa được bảo vệ, vừa có thể tìm kiếm lợi nhuận của khách hàng bảo hiểm ngày càng cao. Ảnh: Dũng Minh

Thận trọng với quảng cáo bán bảo hiểm liên kết đơn vị lợi tức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi hầu hết sản phẩm nhân thọ kết hợp quyền lợi bảo hiểm rủi ro và đầu tư sinh lời khác đều sụt giảm thì bảo hiểm liên kết đơn vị lại bán rất chạy, kéo theo sự xuất hiện của những thông tin quảng cáo “lập lờ đánh lận con đen” dễ gây hiểu lầm, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo chuyên gia huấn luyện bảo hiểm Hoàng Gia Phong, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng duy trì ở mức thấp kéo dài, đa số công ty bảo hiểm nhân thọ đều hướng khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, giúp doanh thu khai thác mới sản phẩm này tăng trưởng ngoạn mục thời gian qua.

Khi thị trường chứng khoán ra đời và phát triển, nhiều khách hàng có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư dài hạn nhưng không có điều kiện mua bán trực tiếp các loại cổ phiếu trên thị trường. Vì vậy, họ có thể chọn ủy thác đầu tư cho các quỹ đầu tư chứng khoán và sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ đáp ứng nhu cầu đó của khách hàng.

Tương tự, ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam cho hay, từ đầu năm tới nay, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ, nhất là các công ty nằm trong Top 5 thị phần khai thác mới, đẩy mạnh hơn việc bán sản phẩm liên kết đơn vị, mà hạn chế bán các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung. Mặt khác, nhiều yếu tố tác động như diễn biến thị trường chứng khoán có phần khởi sắc so với năm trước, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp, các kênh đầu tư khác tạo ra thu nhập chưa thật ổn định… cũng khiến xu hướng chuyển qua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư sinh lời như bảo hiểm liên kết đơn vị của khách hàng bảo hiểm ngày càng rõ rệt hơn.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi tổng số hợp đồng khai thác mới nói chung (ước đạt 1.496.180 hợp đồng), các sản phẩm nhân thọ kết hợp đầu tư khác nói riêng như bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp… đều sụt giảm mạnh, thì sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị tăng mạnh, đạt 91,5% (chiếm 23,5% trong tổng số hợp đồng khai thác mới).

Sự tăng trưởng ngoạn mục này giúp tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm liên kết đơn vị trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng lên 20,4% - gấp đôi so với cách đây 1 năm với tỷ trọng chưa đến 10%.

Lưu ý quảng cáo lập lờ

Theo các chuyên gia, đà tăng trưởng cả về hợp đồng khai thác mới cũng như doanh thu phí của bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ còn tiếp diễn trong 2 quý cuối năm 2022, thậm chí có thể bứt phá hơn từ đầu năm 2023 khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023). Được biết, luật mới (Điều 87) cho phép công ty bảo hiểm được chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thiết kế, phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, phạm vi Bộ Tài chính phê duyệt chỉ giới hạn ở phương pháp, cơ sở tính phí.

Nói như ông Đặng Đình Chính, sự tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với những chiến lược khai thác mới của mỗi công ty bảo hiểm sẽ thúc đẩy sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phát triển hơn nữa trong thời gian tới, thậm chí có thể sớm “vượt mặt” bảo hiểm liên kết chung.

Tính tới cuối tháng 6/2022, về số hợp đồng khai thác mới, bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất là 40,6% (nhưng 32,8% trong 6 tháng đầu năm), còn về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất là bảo hiểm liên kết chung (51,5%) và bảo hiểm hỗn hợp (25,3%).

Tuy nhiên, cũng theo ông Chính, bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm khá kén khách nên trước khi mua cần đọc kỹ các quy tắc, điều khoản vì đây là một sản phẩm kèm theo rủi ro. Phí của khách hàng tham gia vào hàng năm sẽ trừ đi một phần theo quy định là chi phí rủi ro, chi phí ban đầu, chi phí khác…, phần còn lại sau khi trừ đi các chi phí thì sẽ được đầu tư và chứng chỉ quỹ (quỹ mở). Chứng chỉ quỹ thì sẽ đầu tư một phần lớn vào thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, khác với sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp hay bảo hiểm liên kết chung đều có lãi suất cam kết của công ty bảo hiểm trong suốt thời hạn hợp đồng, bảo hiểm liên kết đơn vị không có lãi suất cam kết. Khách hàng được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro trong đầu tư, đôi khi kết quả đầu tư lãi hàng năm là 12-20%/năm, đôi khi có năm kết quả đầu tư âm 10-15%. Cụ thể là từ tháng 1/2022 đến nay, thị trường chứng khoán có nhiều thời điểm không thuận lợi, các quỹ đầu tư hiện nay đều âm, dẫn đến thâm hụt giá trị tài khoản của khách hàng từ 5-10%.

Bên cạnh các điều khoản, lãi suất…, một điểm cần lưu ý nữa đó là những quảng cáo bán bảo hiểm liên kết đơn vị mập mờ, không rõ ràng. Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, để tăng thu hút khách hàng đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, thời gian qua, nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ (đại lý cá nhân) rầm rộ quảng cáo đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị mang lại lãi suất lên tới 17-20%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện hành mà không giải thích cụ thể về con số lãi suất này, dễ gây hiểu lầm rằng chỉ cần mang tiền nhàn rỗi đầu tư vào bảo hiểm thì vừa được bảo vệ, vừa có thể thu lợi nhuận cao.

Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, trong tháng 3/2022, trên zalo, facebook cá nhân nhiều đại lý bảo hiểm, cộng tác viên đăng quảng cáo sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, chẳng hạn facebook có nickname Nam Thân đăng tải: “Quỹ tăng trưởng của An Thịnh đầu tư năm 2021 đã có báo cáo chốt lãi 31%. Bình quân năm đạt tới 17,8%/năm, gấp 3 lần tiền gửi ngân hàng cùng giai đoạn. Sao lại cầm tiền đi gửi ngân hàng nhỉ?”...

Có tài khoản khác thì rao: “Với lãi suất bình quân đạt tới gần 20%/năm, hấp dẫn hơn cả thị trường chứng khoán vốn mang lại thu nhập không ổn định. Hãy rời xa thị trường này và đến với quỹ của công ty bảo hiểm chúng tôi”…

Thế nhưng khi liên hệ các số điện thoại ở các trang này, phóng viên đều nhận được những câu trả lời vòng vo và không có một cam kết chắc chắn nào về mức lãi suất cao như quảng cáo.

“Thực tế, sau khi trừ phí rủi ro và các loại phí khác, số tiền nhận về tính trên toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng sau một thời hạn nhất định, có thể là 10 năm, cũng chỉ tương đương lãi suất ngân hàng. Chưa kể, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị không đi kèm cam kết lợi nhuận, nên mọi quảng cáo mang nội dung này đều không đúng quy định", ông Xuân nói.

Theo ghi nhận từ một số công ty bảo hiểm đang bán bảo hiểm liên kết đơn vị, lợi tức mà khách hàng được hưởng khi đầu tư vào sản phẩm này dao động quanh mức 16-17%/năm trong vài năm gần đây, cao hơn lãi suất tiết kiệm và quyền lợi về chăm sóc sức khỏe vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, không công ty bảo hiểm nhân thọ nào khẳng định hay cam kết lợi nhuận cao từ sản phẩm liên kết đầu tư hàng năm, bởi gửi ngân hàng lãi suất có thể cố định (theo kỳ tái tục), còn lãi suất đầu tư phụ thuộc vào thị trường chứng khoán và hiệu quả đầu tư của quỹ. Kết quả kinh doanh của công ty bảo hiểm cũng chỉ là thông tin tham khảo, không phải là yếu tố đảm bảo cho một mức lãi suất cao.

“Sản phẩm liên kết đầu tư có 2 tài khoản là tài khoản cơ bản (phí để bảo vệ đơn thuần) và tài khoản đóng thêm (dùng để tiết kiệm và đầu tư). Nếu quỹ đầu tư của công ty bảo hiểm hoạt động hiệu quả thì việc mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn lãi suất tiết kiệm là bình thường, điều cần quan tâm ở đây là cần tư vấn cho khách hàng hiểu rõ bản chất của lợi tức đầu tư khác với lãi suất tiết kiệm để tránh việc hiểu sai, chứ không thể nói là lãi suất đầu tư cao hơn lãi suất ngân hàng được. Ngoài ra, cũng cần tư vấn rõ cho khách hàng là sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phù hợp cho việc đầu tư dài hạn hơn là ngắn hạn để có quyết định phù hợp”, đại lý bảo hiểm Nguyễn Minh Hương cho hay.

Theo Thông tư 135/2012/TT-BTC về hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, có cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa 2 phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư.

Việc đầu tư đầu tư sinh lời được thực hiện bằng cách tham gia vào các quỹ liên kết đơn vị do công ty bảo hiểm thành lập dựa trên nguồn phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị. Trong đó, người tham gia được lựa chọn đầu tư vào một hoặc nhiều quỹ, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư cũng như chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư. Việc mua, bán các đơn vị quỹ chỉ được thực hiện giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.

Tin bài liên quan