Chỉ tiêu doanh thu mới của DGW là 3.951 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 53% so với kế hoạch được ĐHCĐ thông qua hồi tháng 4/2016.
Quý II vừa qua, DGW ghi nhận doanh thu 940 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, doanh thu mảng máy tính giảm 19,4%, đạt 462 tỷ đồng; mảng điện thoại di động (ngoài Nokia) tăng trưởng hơn gấp 3 lần, đạt 339 tỷ đồng; thiết bị văn phòng đạt 139 tỷ đồng, tăng 24%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 11,5 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu DGW hơn 1.751 tỷ đồng, giảm 16,69%, nhưng nếu ngoại trừ mảng phân phối điện thoại Nokia thì tăng 28% so với cùng kỳ. Đóng góp tỷ trọng lớn vào cơ cấu doanh thu 6 tháng của Công ty vẫn là mảng kinh doanh máy tính, đạt 897 tỷ đồng, giảm 11,13%; mảng điện thoại di động 588 tỷ đồng, tăng 2,5 lần và mảng thiết bị văn phòng 267 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 39%. Lợi nhuận sau thuế hơn 32 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, thực hiện 50% so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận của DGW trong 6 tháng đầu năm do hai yếu tố tác động chính. Thứ nhất là việc mảng phân phối điện thoại Nokia - từng chiếm 100% doanh thu mảng di động của DGW năm 2013 và 58% năm 2015 thì sang năm 2016 hoàn toàn không còn phân phối. Thứ hai là sự sụt giảm doanh thu của mảng phân phối máy tính, mảng kinh doanh thế mạnh, truyền thống của Công ty với thị phần thuộc Top 3 trên thị trường.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DGW chia sẻ: “Khi lập kế hoạch kinh doanh 2016, chúng tôi có phần tự tin về triển vọng thị trường. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường đã nằm ngoài dự báo của GFK và cả bản thân Công ty”.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, thị trường IT giảm mạnh so với dự kiến (theo công bố của GFK giảm 17% sản lượng); điện thoại di động ở phân khúc giá rẻ tăng 14%. Thời gian hàng về không như dự kiến ban đầu, trong khi các chi phí marketing, nhân sự, cơ sở hạ tầng ứng trước chưa thu hồi.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, DGW mở thêm được 13 kho trung chuyển, nâng tổng số kho trung chuyển lên 18, và 13 điểm tiếp nhận hậu mãi giúp dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng cuối thuận tiện và nhanh chóng, giúp các nhãn hàng do DGW phân phối có nhiều cơ hội bán hàng hơn. Do đó, chi phí đầu tư tăng lên, trong khi chưa ghi nhận được doanh thu do hàng từ nhà sản xuất về trễ.
Mặt khác, các thương hiệu điện thoại do DGW phân phối độc quyền vẫn còn khá mới ở Việt Nam nên cần thời gian để người tiêu dùng làm quen và kênh phân phối chấp nhận. Ngoại trừ Obi đã tung ra thị trường tháng 11/2015, sẽ ghi nhận doanh thu trong năm nay thì các nhãn hàng khác như Intex chỉ mới đưa ra thị trường hơn 2 tháng, mà phải từ tháng thứ 5 mới ghi nhận doanh thu.
Mới đây, DGW ký hợp đồng với nhãn hàng điện thoại Freetel, Nhật Bản đứng số 1 ở thị trường open market (bán thẳng không thông qua trợ giá nhà mạng). Theo ông Việt, từ khâu ký kết, đến các hoạt động chuẩn bị để quảng cáo, ra hệ thống phân phối và tạo doanh thu cũng phải mất 2 - 3 tháng, do vậy, sản phẩm này sẽ đóng góp doanh thu vào quý IV năm nay.
Với những yếu tố trên, DGW quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016 theo hướng thực tế, khả thi hơn. Bà Tô Hồng Trang, Thành viên HĐQT Công ty DGW cho rằng, việc điều chỉnh số liệu mảng máy tính để cập nhật kịp thời những thay đổi của thị trường; mảng di động có rủi ro từ giao hàng chậm, nhưng đây là vấn đề của các nhà sản xuất toàn thế giới, chứ không riêng các nhãn hiệu mà DGW phân phối.
Do vậy, để đưa ra một kế hoạch an toàn thì DGW phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Tuy vậy, những hoạt động cần thiết để phát triển cho các nhãn hàng vẫn được DGW tích cực thực hiện, chẳng hạn như thương hiệu Intex mới triển khai 3 tháng nhưng đã phủ kênh được 2.200/6.000 điểm bán lẻ của DGW.
Về định hướng dài hạn, DGW tiếp tục tập trung cho miếng bánh 40% thị trường điện thoại cơ bản sẽ chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh trong tương lai. Phát huy hơn nữa các dịch vụ cộng thêm để mở rộng ra ngoài ngành ICT.
Ông Việt chia sẻ, DGW luôn minh bạch và cập nhật kịp thời những thay đổi của thị trường cho cổ đông và nhà đầu tư để họ có những quyết định phù hợp. Khi có bất kỳ sự biến động nào trên thị trường tác động đến Công ty dù trong ngắn hạn hay dài hạn, dẫn đến việc có khả năng không thực hiện được kế hoạch như cam kết ban đầu, ngay lập tức DGW sẽ điều chỉnh lại cho khả thi hơn và thực hiện trách nhiệm công bố nghĩa vụ thông tin rõ ràng, minh bạch và kịp thời đến nhà đầu tư.
“Đây là cách mà chúng tôi thể hiện sự tôn trọng với cổ đông”, ông Việt nói.