Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế được NCIF xây dựng dựa trên các giả định về sự thay đổi của các biến số chủ đạo của kinh tế thế giới trong thời gian từ nay tới cuối năm 2018 và cả năm 2019 (bao gồm mức tăng trưởng kinh tế giới; chỉ số giảm phát chi tiêu cho tiêu dùng thế giới; giá dầu thế giới) cùng các chỉ số tăng trưởng của kinh tế Việt Nam như tỷ lệ đầu tư/GDP; tốc độ tăng lực lượng lao động, biến động của tỷ giá, lãi suất cùng một số yếu tố khác.
Theo đó, NCIF dự báo, tăng trưởng GDP cả năm 2018 ở kịch bản 1 đạt mức 6,83% và kịch bản cơ sở đạt mức 7,01%.
Năm 2019, NCIF dự báo kịch bản 1 là GDP đạt mức tăng 6,9%, tương ứng với mức tăng chỉ số CPI là 4%; kịch bản 2 - kịch bản cơ sở - đạt mức tăng trưởng khá cao 7,1%.
Tuy nhiên, đi cùng đó là mức lạm phát cũng cao hơn, đạt 4,5% trong cả năm 2019.
Đáng chú ý, cơ quan này cho rằng, trong hai kịch bản, kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra hơn. Điều này cho thấy bức tranh kinh tế năm 2019 dự báo sẽ tiếp tục kế thừa đà tăng trưởng mạnh của năm 2018, nhưng cũng đặt ra vấn đề đáng lo ngại khi chỉ số lạm phát cao hơn so với nhiều năm trở lại đây.
Theo đánh giá của NCIF, trong quý cuối năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 9 tháng đầu năm.
Nhiều ngành kinh tế lớn bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm.
Nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát cả năm 2018 được kiểm soát tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định với việc lãi suất và tỷ giá được đảm bảo… Sang năm 2019, nền kinh tế sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ nhiều yếu tố tích cực trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, NCIF cũng chỉ ra, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 5 thách thức có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng.
Đó là nền kinh tế đang ngày càng thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính, trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Cuộc chiến sẽ lan tới các đối tác khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc với Mỹ, gây ra nguy cơ rất lớn cho thương mại toàn cầu.
- ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của NCIF.
Xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan gia tăng gây ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Thị trường ngoại hối diễn biến rất phức tạp trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu, tỷ giá và sau đó là tăng trưởng kinh tế của nước ta.
Trong khi đó, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ vẫn dè dặt đầu tư dài hạn.
Đáng chú ý, NCIF cảnh báo tình trạng “bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra khi giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao, thậm chí cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 - 2010.
Điều này đặt nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc khi giá bất động sản được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động trực tiếp từ diễn biến này do đã có độ mở rất cao.
Theo nhận định của ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của NCIF, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm 0,12% tới năm 2021 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lan rộng.
Cuộc chiến sẽ lan tới các đối tác khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc với Mỹ, gây ra nguy cơ rất lớn cho thương mại toàn cầu.
Lúc này không chỉ dừng câu chuyện áp thuế, mà các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên, khiến đối tác của Việt Nam bị ảnh hưởng. Từ đây, gián tiếp tác động đến thương mại và dòng đầu tư, thậm chí có thể làm chao đảo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
“Trước bối cảnh này, Việt Nam cần tăng cường dự trữ đủ ngoại tệ để tránh việc chao đảo khi gặp biến đổi tỷ giá trên thế giới. Thời gian qua, khi tỷ giá thị trường lên rất cao, cơ quan chức năng mới cho phép tăng 1,1% tỷ giá trung tâm là động thái chậm so với diễn biến trên thị trường. Do đó, cần có chính sách tỷ giá chủ động hơn và điều chỉnh linh hoạt theo thị trường”, ông Thắng kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, nguy cơ lạm phát gia tăng trong năm 2019 là rất rõ ràng khi căng thẳng thương mại leo thang và giá dầu thô thế giới đang có xu hướng tăng cao.
Do đó, mục tiêu hàng đầu lúc này là ổn định tiền đồng và ưu tiên hàng đầu kiểm soát lạm phát, thay vì tập trung quá mức đuổi theo mục tiêu tăng trưởng cao.