Ngân hàng ồ ạt tăng vốn
Năm 2018, LienVietPostBank (LPB) dự kiến sẽ phát hành 286,87 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ gần 7.500 tỷ đồng lên 10.368 tỷ đồng thông qua 3 lần phát hành. Cụ thể, đầu tiên, LPB sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2 năm 2017 với tỷ lệ 5% (tháng 2/2018, LPB đã trả cổ tức đợt 1 tỷ lệ 10% cũng bằng cổ phiếu, nâng tổng mức cổ tức năm 2017 lên 15%, cao hơn ước tính ban đầu là 12%).
Tiếp đó là phát hành 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán dựa trên giá trị sổ sách và giá thị trường, nhưng không thấp hơn mệnh giá. Cuối cùng là phát hành 5% cổ phiếu ESOP cho cán bộ, công nhân viên.
Tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, để tăng quy mô hoạt động, HĐQT OCB đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, tức tăng thêm 2.500 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn gồm chào bán 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20,5%) cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/CP, phát hành 69,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14,2% và phát hành riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu cho cho đối tượng chọn lọc. Ngoài ra, OCB còn dự kiến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài mới sau khi chia tay BNP Paribas vào đầu năm nay.
VIB cũng dự tính tăng vốn thêm 2.500 tỷ đồng, từ 5.600 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng. Đại diện VIB cho biết, với số vốn tăng thêm, VIB sẽ dùng 1.455 tỷ đồng để phục vụ hoạt động tín dụng, 600 tỷ đồng để mua trái phiếu (đầu tư tài sản thanh khoản), còn lại sẽ đầu tư nâng cấp công nghệ, mở rộng mạng lưới...
Vốn điều lệ của VPBank (VPB) hiện ở mức 15.706 tỷ đồng. Với mục tiêu tăng thêm 12.000 tỷ đồng vốn trong năm 2018 - mức tăng “khủng” nhất trong hệ thống ngân hàng, vốn điều lệ của VPB sẽ tăng lên hơn 27.700 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn được thực hiện qua nhiều đợt, bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
VPB cho biết, trong số 12.000 tỷ đồng thu về, 8.500 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng nguồn vốn trung - dài hạn, 3.000 tỷ đồng dùng để cấp bổ sung vốn cho công ty con (VPBFC - FE Credit và VPBAMC) và góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động cốt lõi của Ngân hàng, 500 tỷ đồng còn lại được dùng để đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để có thể đáp ứng quy định của Basel II, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng cần tăng vốn điều lệ từ 1,8-2 lần so với hiện tại. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm qua chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro của toàn hệ thống tính đến cuối năm 2017 tăng 9,3%, trong khi vốn tự có của các TCTD chỉ tăng khoảng 4,6%, nên áp lực tăng vốn trong năm 2018 là rất lớn.
Thận trọng là không thừa
Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã tăng mạnh từ đầu năm 2017 cho đến nay. Chính đà tăng giá ổn định của nhóm cổ phiếu "vua" góp phần không nhỏ giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.170 điểm thiết lập từ năm 2007 và đang chinh phục những đỉnh cao mới.
Trong số 11 mã cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn HOSE (VCB, MB, EIB, CTG, BID, STB, VPB, HDB) và HNX (ACB, SHB, NCB), hầu hết đều tăng giá mạnh. Đơn cử, các mã BID, MBB, ACB, MBB cùng có thị giá tăng hơn 100%, VCB tăng hơn 90%, CTG tăng hơn 75%, "tân binh" VPB cũng tăng hơn 70% hay HDB tăng 17% sau 3 tháng niêm yết.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VIB đã tăng hơn 100% kể từ khi lên giao dịch. Trên thị trường tự do (OTC), các cổ phiếu của Techcombank (TBC) hay OCB cũng tăng "phi mã" nhờ thông tin chuẩn bị niêm yết và kết quả kinh doanh tích cực.
Theo giới phân tích tài chính, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua là nhờ hoạt động của ngành tăng trưởng trở lại, lợi nhuận ngân hàng năm 2017 với nhiều gam màu sáng khi tín dụng tích cực, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH-14 ra đời... Tuy nhiên, sau thời gian dài tăng giá, rủi ro điều chỉnh giảm là khó tránh, thậm chí có không ít ý kiến tỏ ra lo ngại xảy ra tình trạng "vỡ bong bóng".
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua, nên thời gian tới khó có thể tiếp tục bùng nổ, bởi bên cạnh lượng cung lớn từ các đợt phát hành thêm hay cổ phiếu mới lên sàn, hoạt động của ngành vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc và còn nhiều “lỗi” cần chỉnh sửa.
Lợi ích cũng như sự cấp thiết của việc tăng vốn như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đặc biệt là đáp ứng tiêu chuẩn Basel II... là rất rõ ràng, nhưng đằng sau câu chuyện tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng năm 2018 lại là nỗi lo của các cổ đông. Bởi việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, làm tốc độ tăng trưởng EPS chậm lại, đồng nghĩa với P/E của cổ phiếu ngân hàng vốn đã ở mức cao sẽ lại tiếp tục tăng thêm, làm gia tăng rủi ro điều chỉnh mạnh.
Bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi sẽ ít nhiều hỗ trợ cho cổ phiếu ngân hàng, nên việc các ngân hàng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một khi kế hoạch kinh doanh không gặp thuận lợi thì người gánh chịu rủi ro lớn nhất vẫn là các cổ đông. Bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, thận trọng khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm này là không thừa.