Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc khối Phân tích Đầu tư CTCK FPTS nhận định.
Quan điểm của ông về diễn biến tăng của VN-Index trong những ngày đầu năm nay ra sao?
Sau khi đã có 2 tuần giao dịch hết sức khởi sắc trước kỳ nghỉ lễ, sự lôi kéo rất mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tạo ra một lực hỗ trợ tâm lý rất tốt đối với thị trường đặc biệt là nhóm có kết quả kinh doanh trong Quý IV/2011 và trong cả năm vừa qua. Phiên giao dịch cuối tuần qua có diễn biến điển hình của một phiên chốt lời sau đợt giao dịch thành công. Xu hướng này đã diễn ra khá nhiều lần trong năm 2011 do tâm lý thị trường luôn thận trọng khiến dòng tiền luôn duy trì chiến lược đầu tư nhanh T+4 hay mua và bán trong tuần.
Việc chốt lời trong phiên cuối tuần có tác dụng giảm áp lực tích lũy và sức nóng. Chúng tôi cho rằng nếu như nhóm cố phiếu vốn hóa lớn sau một đến hai phiên điều chỉnh giảm và tiếp tục duy trì được xu hướng tăng giá vừa qua, dù mức tăng thấp thì vẫn đủ khả năng khiến VN-Index tiếp tục tăng. Theo kịch bản này, VN-Index có thể sẽ chạm ngưỡng 420-425 điểm mới thực sự điều chỉnh mạnh.
Diễn biến này cũng được hậu thuẫn bởi phân tích kỹ thuật. Cụ thể, sóng tăng liên tục từ 9/1/2012 đến này phù hợp với một sóng tăng bù cho đợt giảm mạnh kéo dài từ tháng 9/2011. Từ mức điểm 470 rơi xuống ngưỡng hỗ trợ 335 điểm rồi phục hồi 50% lên mức 420 là diễn biến hoàn toàn có thể nếu đối chiếu với diễn biến quá khứ của VN-Index. Hiện khu vực hỗ trợ cơ bản tại 390 điểm và hỗ trợ mạnh tại 370-375 điểm sẽ nâng đỡ cho VN-Index trong trường hợp rơi trở lại. Nếu ngưỡng hỗ trợ 390 điểm không bị phá vỡ thì xác suất VN-Index hướng đến 420 điểm là khá cao.
Mặc dù vậy, chúng tôi luôn giữ quan điểm thận trọng đối với nhưng đợt sóng tăng không có thông tin vĩ mô hỗ trợ như hiện nay. Rủi ro chỉ số điều chỉnh sẽ rất lớn và mạnh do dòng tiền hiện còn yếu và tâm lý giao dịch của giới đầu tư vẫn rất thận trọng.
Ông có thể nói rõ hơn những cơ sở để cho thấy chưa nên quá lạc quan với chứng khoán trong thời gian tới?
Như trình bày ở trên, diễn biến ngắn hạn có thể lạc quan tuy nhiên trong bối cảnh thiếu những thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ thì thị trường chứng khoán chưa thể tăng mạnh mẽ và bền vững. Các chính sách tiền tệ trong năm sẽ vẫn chặt chẽ và linh hoạt dựa trên biến động của lạm phát. Tình hình bất động sản trầm lắng, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, chi phí tài chính vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Do đó kỳ vọng trong năm 2012 đối với kênh đầu tư chứng khoán vẫn cần có sự thận trong trong nửa đầu năm.
Năm 2011, những nhà đầu tư ăn theo đầu tư chỉ số vào những mã có tỷ trọng lớn trong VN-Index đã thành công, năm 2012 này những phương cách đầu tư nào nên được chú ý?
Trong năm 2011, dấu ấn của các cổ phiếu vốn hóa lớn đối với thị trường chứng khoán nói chung và chỉ số VN-Index là rất mạnh. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” liên tục khiến nhà đầu tư hoài nghi về độ chính xác của chỉ số. Đa phần giao dịch của các cổ phiếu bluechips có sự tác động lớn bởi các tổ chức tài chính hoặc các quỹ lớn trong và ngoài Việt Nam. Vietnam Market Vector và FTSE Vietnam Index là hai chỉ số điển hình đại diện cho cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế.
Với số lượng cố phiếu ít nhưng chiếm tỷ trọng cao về vốn hóa thị trường do đó biến động của các chỉ số này có một sự đồng điệu rất sát với diễn biến của VN-Index. Thậm chí đã có một số thời điểm nhóm cổ phiếu bluechips được tập trung giao dịch rất mạnh như một chỉ báo thu nhỏ nhưng lại quyết định việc tăng giảm của chỉ số VN-Index. Xu hướng đầu tư theo chỉ số chính là hệ quả của hiện tượng này.Vừa qua sự xuất hiện của VN30 có thể sẽ là khởi đầu mới và cụ thể hóa xu hướng đầu tư theo chỉ số. Đây có thể sẽ là nền tảng cho các sản phẩm đầu tư mới điển hình như các chứng chỉ quỹ đầu tư theo chỉ số VN30.
Nếu có tiền nhàn rỗi thời điểm này và muốn đầu tư vào cổ phiếu, theo ông nên lựa chọn mua và chọn chứng khoán như thế nào?
Như đã trình bày ở trên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng ít nhất là trong Quý I/2012. Kênh chứng khoán được coi như hàn thử biểu và luôn có những biến động sớm từ 3 đến 6 tháng trước các diễn biến của kinh tế vĩ mô. Do đó, trước mắt các biến động về lạm phát cần được coi là trọng tâm, sẽ quyết định đến các chính sách tiền tệ hay cụ thể hơn là dòng tiền đối với nền kinh tế nói chung và kênh đầu tư chứng khoán nói riêng.
Trong ngắn hạn với chu kỳ công bố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phân hóa những cổ phiếu có chỉ tiêu cơ bản tốt. Các cố phiếu có mức cổ tức (cổ tức bằng tiền trên giá cổ phiếu hiện tại) hấp dẫn có thể là sự chọn lựa ngắn hạn trong danh mục đầu tư.