Đối mặt thách thức
Dù công bố tài liệu đại hội cổ đông 2024 trước ngày diễn ra "cơn địa chấn" thuế quan hôm 3/4 nhưng Ban điều hành Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng vẫn tỏ ra rất thận trọng khi chỉ trình cổ đông chỉ tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 88,1% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với thực hiện của năm 2024. Cơ sở cho kế hoạch lợi nhuận đi lùi của Công ty là dự báo tình hình địa chính trị toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước chịu áp lực lạm phát, tỷ giá, thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp… còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty còn nhiều khó khăn, thách thức như giá vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng lớn đến giá bán; cạnh tranh quyết liệt với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài và đặc biệt, Công ty chưa có sản phẩm lốp radial.
Một doanh nghiệp khác trong ngành cao su, Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (mã PHR), cũng lên kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, theo Nghị quyết Hội đồng quản trị phiên họp lần I/2025, PHR đặt mục tiêu tổng doanh thu công ty mẹ năm 2025 đạt hơn 1.480 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 242,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và giảm 23,4% so với mức thực hiện năm 2024.
Ngành cao su toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi tuyên bố Mỹ áp thuế 25% lên các sản phẩm ô tô và linh kiện nhập khẩu vào nước này từ ngày 3/4/2025. Cao su là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất săm lốp ô tô, sẽ ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách này.
Chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhìn rõ áp lực phải đối mặt trong năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thường niên (diễn ra vào ngày 18/4 tới) kế hoạch doanh thu 255 triệu USD, tăng gần 2% so với mức thực hiện năm 2024 nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm ngoái.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong quý I/2025, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khả quan nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 931,6 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con tôm Việt vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ, những quốc gia có lợi thế về giá cả và quy mô sản xuất.
Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (mã DNW) cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 thận trọng, với doanh thu 1.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 270 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và giảm 22% so với mức thực hiện năm 2024.
Công ty cổ phần Bột giặt NET thì đưa ra hai kịch bản kinh doanh, với kịch bản cao là doanh thu tăng trưởng 15% (đạt 1.900 tỷ đồng), lợi nhuận giảm 3% (đạt 200 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2024. Ở kịch bản thấp, mục tiêu doanh thu tăng 8% (đạt 1.780 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm 23% (đạt 160 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2024.
Mới đây, Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã GDT) gây chú ý khi dự kiến trình đại hội cổ đông thường niên (tổ chức vào ngày 19/4/2025) kế hoạch bán tài sản.
Gỗ Đức Thành cho biết, việc chuyển nhượng một phần tài sản đang có sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho Công ty như trả bớt nợ vay dài hạn, giảm áp lực chi phí lãi vay, cải thiện dòng tiền và tăng tính bền vững tài chính trong bối cảnh lãi suất không ổn định. Đồng thời, Công ty có nguồn lực để tái đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, hoặc mua thêm nhà xưởng mới với giá tốt, tiềm năng.
Năm nay, Công ty cổ phần Vận tải biển Global Pacific (mã PCT) đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 810 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước nhưng mục tiêu lãi sau thuế là hơn 84 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Global Pacific cho biết, trong hai tháng đầu năm 2025, giá cước vận tải biển biến động đáng kể, đặc biệt là cước vận chuyển dầu và hóa chất do các yếu tố địa chính trị. Trước tình hình đó, Hội đồng quản trị Công ty trình cổ đông xem xét phê duyệt điều chỉnh phương án đầu tư đóng mới 4 tàu chở dầu/hóa chất có trọng tải khoảng 25.900 DWT. Theo đó, Công ty điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm từ không vượt quá hơn 48,1 triệu USD/tàu xuống 47,98 triệu USD/tàu; suất sinh lời trên vốn chủ đầu tư (ROE) giảm từ 10,72% về 8,85%.
Dự báo còn nhiều biến động
Dẫu đặt mục tiêu lợi nhuận suy giảm so với năm trước, song các doanh nghiệp đều thể hiện quyết tâm phấn đấu vượt kế hoạch đề ra. Cao su Sao Vàng cho biết, Công ty đang xây dựng các giải pháp quản lý sản xuất, quản lý chi phí và quản lý chất lượng; hoàn thiện công tác bán hàng, điều chỉnh chính sách tiêu thụ hợp lý với đại lý, nhà phân phối... Đồng thời, Công ty tập trung phát triển sản phẩm mới, chất lượng cao, đặc biệt là lốp ô tô công trường quy cách lớn, lốp xe máy không săm, săm xe máy butul đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, Cao su Phước Hoà cho rằng, năm 2025 tiếp tục là một năm có những thuận lợi, khó khăn đan xen, đòi hỏi Công ty phải nỗ lực cao để thực hiện nhiệm vụ. Công ty đề ra mục tiêu thực hiện vượt mức kế hoạch doanh thu năm 2025 tối thiểu 10%. Giải pháp của Công ty là phải chủ động, tích cực mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và đầu tư, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đồng thời, Cao su Phước Hòa sẽ tích cực chủ động làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương để rà soát lại quy hoạch phát triển trên đất cao su Công ty đang quản lý quy hoạch tỉnh Bình Dương đã được phê duyệt để xây dựng phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), trong tháng 3, doanh số xuất khẩu đạt 23,62 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Khu nuôi tôm mới đã bắt đầu thả giống vụ chính và khu nuôi cũ sẽ tiến hành thả giống từ giữa tháng 4.
FMC có thuận lợi là sở hữu vùng nuôi ASC lớn, đủ đáp ứng nguồn cung cho các hệ thống lớn và khách hàng, thị trường và chất lượng sản phẩm ổn định.
Cần chú ý, các kế hoạch kinh doanh trên đây đều được xây dựng trước khi chính quyền ông Donald Trump tuyên bố chính sách thuế đối ứng với các quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ vào ngày 2/4/2025 (theo giờ Mỹ). Mức thuế suất mới cụ thể với từng ngành hàng sẽ còn phụ thuộc vào kết quả trao đổi, đàm phán giữa hai nước tới đây, tuy nhiên, chắc chắn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kịch bản kinh doanh so với ban đầu.
Tâm điểm của mùa đại hội cổ đông thường niên 2025 năm nay của các doanh nghiệp dự báo sẽ là câu chuyện ứng phó với ảnh hưởng từ thuế suất nhập khẩu từ Mỹ, ngay cả khi doanh nghiệp không phải là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ động thái này.