Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên có khả thi và những rủi ro nào cần phải lưu ý?
Tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt mức xấp xỉ 11% và tín dụng đã cải thiện tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Khác với những năm trước, tín dụng chỉ bắt đầu tăng vào giữa và cao nhất là cuối năm, nhưng năm nay đã được cải thiện.
Mặt khác, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng đã có sự cải thiện so với các năm trước, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lớn có nhu cầu về vốn ngày càng gia tăng, bởi họ đã nhìn thấy các cơ hội để có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng. Nhu cầu vay vốn của hai nhóm này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, giúp cho mục tiêu tín dụng tăng trưởng cao. Tuy nhiên, theo tôi, để đạt được mục tiêu 21% tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cũng phải lưu ý và thận trọng để có thể hạn chế được rủi ro.
Rủi ro khi tăng trưởng tín dụng nhanh là những gì, thưa ông?
Thứ nhất là về thanh khoản vốn. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay thì thanh khoản cần được chuẩn bị tốt. Trong khi đó, thực tế hiện nay, huy động vốn ở nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Vì thế, nếu đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng mà không chuẩn bị tốt nguồn thì rủi ro thanh khoản là khó lường.
Thứ hai, cần tránh vết xe đổ trước đây khi tăng trưởng tín dụng nhanh, khiến nợ xấu tăng. Bởi thế, nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng mà đẩy tín dụng tăng nhanh sẽ lặp lại bài toán nợ xấu.
Cùng với việc đẩy mạnh tín dụng, cũng như nỗ lực xử lý nợ xấu trước đây, ngân hàng phải gia tăng chuẩn mực hoạt động và chất lượng tài sản.
Nhìn nhận của ông về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay?
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay vẫn là một dấu hỏi. Hiện các doanh nghiệp lớn được các ngân hàng luôn chào mời. Trong khi, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn ngân hàng hoặc tiếp cận còn ở mức hạn chế.
Ông vừa nói đến việc huy động vốn của các ngân hàng hiện nay vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Lliệu có rủi ro khi mất cân đối giữa huy động - cho vay?
Đây đúng là một bài toán khó như tôi đã nói về rủi ro thanh khoản. Chắc chắn các ngân hàng cũng không thể trông chờ vào nguồn tiền của Kho bạc Nhà nước đang gửi hiện nay, bởi đây là nguồn vốn ngắn hạn và có thể giải ngân bất kỳ khi nào trong tương lai. Do đó, bản thân các ngân hàng cũng phải nhìn nhận lại bài toán thanh khoản để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Tôi cho rằng, mục tiêu tín dụng tăng thêm 2% ở đây cần như là “demo” để có thể thực hiện trong thời gian tới, hơn là chỉ tiêu cần phải đạt được trong năm nay.
Theo ông, liệu tăng trưởng tín dụng nhanh, vốn có chảy vào bất động sản?
Tôi tin rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng chưa cao.
Hơn nữa, việc phân bổ tín dụng là rất quan trọng vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải cạnh tranh về vốn với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn khác. Đồng thời, cần lưu ý rằng, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Ví dụ, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước.
Nếu đẩy mạnh cho vay mua nhà ở phân khúc căn hộ có mức giá phù hợp đối với khách hàng có thu nhập trung bình, thì cũng không vấn đề gì và vẫn kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, phân khúc căn hộ cao cấp và những dự án thuộc phân khúc cao cấp giá cao sẽ khó tiêu thụ hàng và đang có dấu hiệu chững lại. Nếu ngân hàng rót vốn vào phân khúc này thì phải rất thận trọng.