Trong phương án thoái vốn nhà nước đến hết năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, đáng chú ý có danh mục doanh nghiệp dừng thực hiện thoái vốn trong năm nay, gồm 54 doanh nghiệp cấp nước và một số doanh nghiệp dịch vụ đô thị môi trường.
Các doanh nghiệp này được rà soát và xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Điều này cho thấy mục tiêu và kế hoạch thoái vốn đối với các doanh nghiệp ngành nước và dịch vụ đô thị, môi trường vẫn được cân nhắc thận trọng.
Trước đó, tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách thực hiện thoái vốn nhà nước tại 58 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước thuộc các bộ, địa phương đã hoàn thành phương án cổ phần hoá giai đoạn trước thời điểm tháng 7/2017.
Kết quả rà soát cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy, tính đến 24/5/2020, trong số 58 doanh nghiệp này, 2 doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển giao về SCIC theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Chỉ thị số 01/CT-TTg.
Đến nay, đã có 17 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn Nhà nước theo tỷ lệ và kế hoạch phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg; 9 doanh nghiệp đã thoái một phần vốn theo kế hoạch. Tỷ lệ hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch phê duyệt là 29%.
Trong số 17 doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn, Nhà nước tiếp tục duy trì mức vốn góp trên 51% tại 7 doanh nghiệp; trên 36% tại 6 doanh nghiệp.
Có 4 doanh nghiệp Nhà nước không còn duy trì vốn góp, bao gồm CTCP Cấp nước Bình Phước; CTCP Cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông; CTCP Cấp nước Cửa Lò; CTCP Cấp nước Ninh Bình.
Trong danh mục 54 doanh nghiệp cấp nước tạm dừng thoái vốn này, rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 40 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ trên 51%; 14 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ trên 36%.
54 doanh nghiệp đang thuộc quản lý của địa phương; một số địa phương chỉ bao gồm các công ty cấp nước quy mô nhỏ, phục vụ cấp nước trên địa bàn hẹp (huyện, xã) như Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây thuộc UBND Thành phố Hà Nội (do UBND Thành phố Hà Nội chưa hoàn thành thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp cấp nước quy mô lớn trên địa bàn).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên thực tế, kết quả rà soát tổng hợp tình hình thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp nước có vốn nhà nước thời gian qua còn khá nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước hoạt động trong ngành đặc thù, cung cấp sản phẩm đặc biệt thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nên cần tiếp tục đánh giá, rà soát điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tránh để xảy ra các sự cố tương tự tại một số doanh nghiệp cấp nước lớn tại các đô thị, ảnh hưởng đến an toàn xã hội và cộng đồng như thời gian qua.
Đây cũng là kiến nghị đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 184/TB-VPCP.
Theo đó, kiến nghị phê duyệt danh sách 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước Nhà nước không thoái vốn đến hết năm 2020 như tại danh mục đã ban hành.
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, kết quả rà soát gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tỷ lệ thoái vốn không thành công tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cao hơn so với việc thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp khác tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Lý do là vì các doanh nghiệp này có hoạt động sản xuất - kinh doanh không hiệu quả.
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường có giá trị tài sản cố định lớn do phải đầu tư thiết bị công trình phục vụ nhiệm vụ công ích), tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận thấp, một số doanh nghiệp bị thua lỗ, do vậy, không hấp dẫn được nhà đầu tư.
Một nguyên nhân khác là Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ cổ phần chi phối sau khi thoái vốn, khiến nhà đầu tư bên ngoài lo ngại không được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp sau khi đầu tư vốn tại doanh nghiệp.