Xu hướng và rủi ro gia tăng
Thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng đang là một xu hướng. Việc sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng là một hình thức thanh toán tiên tiến không chỉ giúp hạn chế rủi ro của việc mang quá nhiều tiền mặt, mà còn giúp khách hàng có thể tận hưởng các tiện ích của thẻ như chi tiêu trước - thanh toán sau với thời gian miễn lãi đến 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khách hàng bị mất tiền trong thẻ tín dụng do bị kẻ gian đánh cắp thông tin trên thẻ đã chứng minh cho việc rủi ro đối với chủ thẻ tín dụng là không hề ít.
Vụ việc xảy ra ngày 31/5/2014 tại TP. HCM và Hà Nội, sau 2 năm phối hợp với các nhà chức trách Mỹ và Anh, Công an Việt Nam đã triệt phá đường dây đánh cắp thông tin thẻ tín dụng quốc tế trị giá đến 200 triệu USD, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người sử dụng thẻ.
Nhóm tội phạm này dùng những thông tin đánh cắp từ thẻ tín dụng để mua hàng trên mạng, rút tiền, thành lập các trang website đánh bạc trực tuyến… Mới đây, Công an TP. Hải Phòng cũng triệt phá một băng nhóm tội phạm quốc tế đã làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng của khách hàng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, rủi ro khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng gồm có 2 loại: rủi ro về thông tin cá nhân và rủi ro về tài sản (tiền) của chủ thẻ. Nhưng thực tế, các trường hợp gian lận thẻ tín dụng được các phương tiện thông tin đề cập hiện nay đều xuất phát từ việc khách hàng chưa nhận thức được các biện pháp để bảo mật thông tin thẻ, cũng như các ngân hàng chưa tư vấn và hướng dẫn khách hàng kỹ lưỡng trước khi phát hành thẻ.
Chủ thẻ phải tự bảo vệ mình
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, hiện thẻ tín dụng vẫn là một sản phẩm có tiềm năng lớn ở thị trường Việt Nam, thu hút không chỉ các ngân hàng nội mà cả các ngân hàng nước ngoài tham gia và tập trung phát triển.
Song song với việc đẩy mạnh kinh doanh thẻ tín dụng, các ngân hàng cũng tập trung đầu tư cho công nghệ, cơ sở hạ tầng…, nhằm mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để giám sát và phát hiện kịp thời các giao dịch gian lận và hỗ trợ chủ thẻ hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa việc bảo mật thông tin được đảm bảo tuyệt đối, khách hàng mới chính là người bảo quản thẻ và bảo mật thông tin để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ.
“Trong quá trình sử dụng thẻ, khách hàng nên cất giữ thẻ cẩn thận, không chuyển cho người khác xem, nhờ người khác giao dịch hộ hoặc cho mượn thẻ vì có thể bị lộ thông tin trên thẻ tín dụng.
Trong trường hợp cần thiết, có thể mở thẻ phụ cho người thân, bạn bè để sử dụng trong giao dịch. Khách hàng cũng cần thường xuyên kiểm tra lại sự tồn tại của thẻ sau mỗi lần sử dụng hoặc sau một thời gian dài không sử dụng để có thể phát hiện ngay khi thẻ bị thất lạc và thông báo kịp thời đến ngân hàng để khóa thẻ.
Đặc biệt, khi sử dụng thẻ để thanh toán mua hàng, ăn uống…, chủ thẻ nên chứng kiến việc nhân viên thu ngân quẹt thẻ, không nên giao thẻ cho nhân viên thu ngân, cũng như không sử dụng thẻ thanh toán tại các website không rõ nguồn gốc và không phổ biến”, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank khuyến nghị.
Theo ông Bình, một điểm đáng chú ý nữa là khách hàng không nên tiết lộ mã số xác thực (CVV - 3 số nhỏ in nghiêng, nằm ở mặt sau của thẻ, bên cạnh dải chữ ký và dưới dải từ) cho bất kỳ ai, để tránh rủi ro thông tin thẻ bị lợi dụng để thực hiện giao dịch qua mạng. Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thẻ, chủ thẻ nên đăng ký sử dụng dịch vụ biến động số dư qua SMS để thuận tiện theo dõi các giao dịch thực hiện từ số thẻ của mình.
Theo lãnh đạo NHNN, giải pháp bảo mật trong giao dịch của ngành ngân hàng là một nhóm các giải pháp tích hợp như: ngoài việc sử dụng giao thức mã hóa SSL, ngân hàng còn sử dụng hạ tầng khóa công khai (PKI), thiết bị sinh khóa theo từng lần giao dịch (OTP)…
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên Internet, NHNN cũng có đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến đúng quy định của ngân hàng về việc quản lý, thay đổi mã khóa giao dịch khi có nghi ngờ về việc bị đánh cắp thông tin và sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản để giám sát tài khoản của mình và phản hồi ngay cho ngân hàng đối với các thông báo về các giao dịch không phải do mình thực hiện.
Thực tế, công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng đều được tin học hóa ở mức cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành nội bộ, cung cấp các dịch vụ ngân hàng tiên tiến cho khách hàng (Internet banking, Mobile Banking, SMS Banking, các dịch vụ thẻ...). Nhưng cũng với đặc điểm trên, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với các rủi ro về an ninh CNTT, nhất là đối với các dịch vụ thanh toán qua Internet.
Vì thế, mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có Văn bản số 5147/NHNN-TT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm thẻ.
Theo văn bản này, để chủ động phòng chống tội phạm và đảm bảo an toàn trong giao dịch thanh toán thẻ, NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thẻ thực hiện một số nội dung: Khi ký kết hợp đồng với đơn vị chấp nhận thẻ, cần kiểm tra kỹ thông tin và năng lực của đơn vị chấp nhận thẻ; bổ sung các điều kiện ràng buộc, xem xét thời gian quy định báo cáo, xây dựng hạn mức thanh toán trong ngày phù hợp với mức độ tin cậy và loại hình kinh doanh của từng đơn vị chấp nhận thẻ; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ.
Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu phạm tội thì cần chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) để xác minh và có biện pháp phòng chống kịp thời, báo cáo NHNN khi phát hiện các vụ việc liên quan đến an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo cho khách hàng những phương thức, thủ đoạn của tội phạm thẻ, để chủ thẻ chủ động có biện pháp bảo đảm bảo mật thông tin thẻ.