Thận trọng khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, bức tranh về doanh thu và lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2014 không mấy khả quan nên khó kỳ vọng giá cổ phiếu ngành này tăng trưởng.
Thận trọng khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng

Ông đánh giá thế nào về xu hướng của cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn?

Lãi suất cho vay hiện đang có xu hướng giảm dần, điều này sẽ tác động tiêu cực lên tỷ lệ lợi nhuận biên của ngân hàng, vì thu nhập từ tín dụng giảm. Mặc dù gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2014, theo đó giãn thời gian áp dụng quy định mới về phân loại nợ đến quý II/2015, qua đó giúp các ngân hàng có thêm thời gian xử lý nợ xấu.

 Ông Lê Đình Minh Phương

Tuy nhiên, có thể thấy, chi phí dự phòng của các ngân hàng trong thời gian sắp tới sẽ có xu hướng tăng cao. Tôi nhận thấy, hiện vẫn chưa có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho các cổ phiếu ngành ngân hàng, nhiều khả năng cổ phiếu ngành này sẽ có xu hướng đi ngang (sideway).

Nếu đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lúc này, theo ông, nên chọn cổ phiếu của ngân hàng nào?

Tôi cho rằng, việc đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng trong năm 2014 này không thích hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn, do tình hình hoạt động kinh doanh của ngành trong năm nay và kể cả sang năm 2015 được dự đoán sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ lãi suất cho vay đang có chiều hướng giảm dần sẽ làm tỷ lệ lãi biên của các ngân hàng giảm, trong khi chi phí dự phòng nợ xấu tăng bào mòn lợi nhuận của ngân hàng.

Theo công bố của NHNN hồi đầu tháng 4,  nợ xấu toàn ngành vào khoảng 7%

Trước làn sóng sáp nhập và hợp nhất (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, không ít nhà đầu tư đang muốn “đu” theo cổ phiếu của những ngân hàng chuẩn bị sáp nhập với kỳ vọng hưởng lợi khi chuyển đổi sang ngân hàng lớn, chẳng hạn như trường hợp cổ phiếu của Southern Bank sẽ được chuyển đổi thành Sacombank. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này và có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trước thực trạng trên?

Thông thường, trong các thương vụ M&A, các công ty mục tiêu được chọn thường có kết quả kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng cao. Sau khi hợp nhất, sáp nhập thì thường giá trị của doanh nghiệp mới sẽ được tăng lên so với 2 doanh nghiệp riêng rẽ trước khi sáp nhập, hợp nhất, nhờ hưởng lợi từ sự hợp lực

Tuy nhiên, theo tôi, những thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại thiên về xu hướng tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhiều hơn, chứ không phải nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông.

Xét về trường hợp các nhà đầu tư theo xu hướng chọn các cổ phiếu của những ngân hàng chuẩn bị sáp nhập với kỳ vọng hưởng lợi khi chuyển đổi sang ngân hàng lớn thì yếu tố lời, lỗ phụ thuộc vào giá trị giao dịch so với giá trị thực của doanh nghiệp.

Trên thực tế, các thương vụ M&A thường được giao dịch bằng tiền, quy đổi sang cổ phiếu của bên đi thâu tóm, theo tỷ lệ chuyển đổi giữa hai bên hoặc vừa bằng tiền vừa bằngcổ phiếu. Các trường hợp M&A ở ngành ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua thường theo cách quy đổi cổ phiếu, như trường hợp SHB & Habubank; Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất… Cho nên, tỷ lệ quy đổi cổ phiếu cụ thể như thế nào sẽ là yếu tố chi phối sự thành công trong xu hướng đầu tư dạng này.

Đánh giá của ông về sức khỏe của các ngân hàng sau M&A hai năm qua?

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 4/2014, tại thời điểm đó, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao, khoảng 7%. Ngoài ra, vào ngày 20/3/2014, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2014 sửa đổi và bổ sung Thông tư 02/2013, trong đó có quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được kéo dài thời hạn phân loại nợ đến ngày 1/4/2015 để tránh hiệu ứng domino, do dự phòng tăng đột biến nếu vẫn giữ nguyên thời hạn phân loại nợ xấu vào 30/6/2014 này. Điều này chứng tỏ tình hình hoạt động các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải giãn thời gian phân loại nợ xấu.

Liệu khi nào cổ phiếu ngân hàng trở lại ngôi vị “cổ phiếu vua” như trước đây?

Hệ thống ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống trung gian tài chính, nên về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu hấp dẫn trên sàn. Nếu quá trình tái cơ cấu của Chính phủ được tiến hành thành công, qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ thu hút được sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư.

Cổ phiếu ngân hàng có còn được ưu tiên trong danh mục đầu tư, thưa ông?

Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu một cách triệt để đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể như Thông tư 02/2013 được sửa đổi và dời lại sang quý II/2015. Điều này có thể sẽ làm cho quá trình tái cơ cấu một cách triệt để sẽ tốn thêm nhiều thời gian (3 - 5 năm nữa) để có thể lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Hiện ngành ngân hàng vẫn còn khá nhiều khó khăn, nếu xét trong ngắn hạn, thì bức tranh về doanh thu và lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2014 và có thể cả sang năm sau cũng không mấy khả quan, nên tôi không kỳ vọng giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan