Ngay từ đầu năm, yếu tố lạm phát đã diễn biến phức tạp

Ngay từ đầu năm, yếu tố lạm phát đã diễn biến phức tạp

Thận trọng khi CPI tăng sớm

(ĐTCK) Tổng cục Thống kê dự báo, CPI tháng 2 sẽ còn tăng mạnh do đây là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng và giá cả hàng hóa thường tăng mạnh.

CPI tăng mạnh ngay từ tháng 1/2018

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2018 đã tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,51% so với tháng 12/2017, nguyên nhân chính là do một số địa phương đã tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ y tế (tăng 2,34% so với tháng trước đó).

Thêm vào đó, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá thế giới cũng làm nhóm giao thông tăng 1,17%, gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá nói chung. Ngoài ra, giá điện sinh hoạt trong tháng 1/2018 cũng đã điều chỉnh tăng 2,64% theo kế hoạch điều chỉnh giá điện của Thủ tướng Chính phủ, làm tăng chỉ số giá nhóm nhà ở vật liệu xây dựng.

Với dự kiến tăng trưởng GDP năm 2018 có thể dao động từ 6,5-6,8% thì mức 6,5% có lẽ là mức tăng trưởng tối ưu, không gây áp lực lên lạm phát

- Ông Ngô Trí Long,
chuyên gia kinh tế

Với xu hướng này, Tổng cục Thống kê dự báo, CPI tháng 2 sẽ còn tăng mạnh do đây là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng và giá cả hàng hóa thường tăng mạnh. Như vậy, có thể thấy, ngay từ đầu năm nay, yếu tố lạm phát dường như đang diễn biến phức tạp so với năm ngoái. Mức tăng cao hơn của CPI so với mọi năm được cảnh báo là sẽ gây khó khăn cho các tháng tiếp theo trong kiểm soát lạm phát.

Ba kịch bản về lạm phát

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc CPI năm 2018 cao hơn năm 2017 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.

Đây được coi là một trong những yếu tố lớn có thể tác động trực tiếp tới nền kinh tế và cần được theo dõi chặt chẽ để có những biện pháp xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý I và cả năm 2018.

Xu hướng lạm phát gia tăng đã được NCIF dự báo với 3 kịch bản. Cụ thể, ở kịch bản cao với mức tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, lạm phát trung bình được tính toán có thể đạt 4,8% hoặc cao hơn. Thậm chí, ở kịch bản thấp, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,31%, lạm phát vẫn có thể tăng trở lại ở mức 4,2% và có thể cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.

Thận trọng khi CPI tăng sớm ảnh 1

Đặc biệt, ở kịch bản này, tuy ít khả năng xảy ra, song NCIF vẫn cảnh báo, nếu nền kinh tế gặp nhiều bất lợi, trong khi những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay, thì lạm phát sẽ có những diễn biến hết sức phức tạp và tác động tiêu cực, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng như gây bất ổn kinh tế vĩ mô và các cán cân kinh tế. 

Với kịch bản trung bình - là phương án khả thi nhất, theo NCIF, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%. Tuy nhiên, diễn biến lạm phát cần được theo dõi hết sức chặt chẽ khi những dấu hiệu tăng mạnh đã xuất hiện ngay từ đầu năm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể khoảng 2-2,5 điểm %. Trong khi đó, giá thực phẩm thịt lợn năm 2017 giảm chủ yếu do dư cung.

Chuyên gia này dự báo, nhiều khả năng năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm bởi ngành chăn nuôi có sự điều chỉnh, khiến lạm phát gia tăng. Ngoài ra, việc giữ được lạm phát ở mức 4% cũng sẽ là một thách thức không nhỏ khi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 như đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tín dụng… có thể tác động trễ tới diễn biến CPI trong năm 2018.

“Với dự kiến tăng trưởng GDP năm 2018 có thể dao động từ 6,5-6,8% thì mức 6,5% có lẽ là mức tăng trưởng tối ưu, không gây áp lực lên lạm phát. 6,8% cũng là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện cung phát huy tác dụng, thì dự báo tăng trưởng GDP còn có hể đạt mức cao hơn”, ông Long phân tích.

Để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ lạm phát, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đề xuất một số biện pháp điều hành giá, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện, dịch vụ y tế (không thuộc Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán), dịch vụ giáo dục y tế, giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, giá thuốc chữa bệnh cho người và giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

Với mặt hàng xăng dầu, cơ quan này đề nghị sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp, giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu lên cao trong thời điểm trước, trong và nhất là sau Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. 

Đối với điện, Cục Quản lý giá đề xuất đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1/12/2017 đến CPI các tháng đầu năm 2018, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý ăn theo giá điện...     

Tin bài liên quan