Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thận trọng khi cấp phép bay

Quan điểm thận trọng khi tiếp cận thị trường hàng không thể hiện khá rõ trong công văn mới đây của Văn phòng Chính phủ (Công văn số 11253/VCPC- CN) thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air).

Cùng với việc yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ xem xét cấp phép bay cho Vietstar Air sau khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành xây dựng mới Nhà ga T3 và hệ thống sân đỗ dự kiến vào năm 2022, trong Công văn, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh việc cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Được biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2016/NĐ - CP và Nghị định số 30/2013/NĐ - CP về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, với vai trò là cơ quan soạn thảo đã phải giải quyết, dung hòa hai mâu thuẫn lớn.

Đó là cắt bỏ các điều kiện, rào cản kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối trong hoạt động khai thác hàng không.

Cần phải nói thêm rằng, khi đã trình Dự thảo Nghị định lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải vẫn nhận hàng loạt kiến nghị của nhiều doanh nghiệp hàng không, đơn vị tư vấn luật yêu cầu duy trì, thậm chí là siết chặt hơn nữa các quy định liên quan đến việc cấp quyền khai thác ngay cả khi dự án đầu tư của nhà đầu tư được thông qua và được trao giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Đây là quan điểm cần được ủng hộ, xem xét thấu đáo, bởi kinh doanh vận chuyển hàng không là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi các hãng hàng không phải thực sự có năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vận hành, khai thác đội tàu bay. 

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực này, bất kỳ sai sót liên quan đến an toàn khai thác hàng không đều rất ít có cơ hội sửa chữa, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng của hàng trăm hành khách. Chính vì vậy, việc cấp phép bay, hay nới lỏng các quy định gia nhập thị trường vận tải hàng không cần xét tới bối cảnh thực tế của ngành hàng không Việt Nam.

Một là, thị trường hàng không đang phát triển rất nhanh trong khi hạ tầng nhiều sân bay lớn không theo kịp đã dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tương đối cao trong thời gian qua. Đó là chưa kể nguồn nhân lực hàng không, đặc biệt là phi công cũng đang thiếu trầm trọng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Nếu không siết chặt quy định về thành lập hãng hàng không mới sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để thu hút phi công, cũng như các hãng mới có thể đưa những phi công “non tay” vào khai thác, tạo ra nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn bay.

Hai là, việc đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ về điều kiện thành lập hãng hàng không mới còn nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ảnh hướng đến môi trường đầu tư, lợi ích của Nhà nước và xã hội, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính, cản trở việc xây dựng thương hiệu hàng không quốc gia.

Ba là, khuyến nghị của Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế cũng như kinh nghiệm của các quốc gia đã phát triển đều cho thấy các tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh hàng không ngày càng được thắt chặt vì mục tiêu tối thượng là an toàn, an ninh hàng không, trên cơ sở phù hợp với sự phát triển của hạ tầng, khả năng quản lý của Nhà nước.

Trong điều kiện thị trường vận chuyển hàng không còn non trẻ như Việt Nam, việc duy trì các điều kiện kinh doanh, thậm chí nâng các tiêu chuẩn tài chính, kinh nghiệm vì lẽ đó là điều tối cần thiết. Ngoài lý do an ninh, an toàn, điều này còn mở ra cơ hội đón những “đàn sếu” lớn thực sự, thay vì hạ chuẩn chấp nhận cả những nhà đầu tư “cò con” mà mỗi lần cất cánh lại khiến cả cơ quan quản lý lẫn hành khách trên các chuyến bay nơm nớp lo âu.

Tin bài liên quan