Thận trọng bán bảo hiểm rủi ro dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty bảo hiểm chưa được phép bán bảo hiểm cho rủi ro nhiễm Covid, nhưng thị trường vẫn có một số sản phẩm bảo hiểm sức khỏe gắn với rủi ro nằm viện, tử vong.

Theo chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để tránh các rủi ro tiềm ẩn. Ngay sau đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Lúc đó, nhiều công ty bảo hiểm đang triển khai dở hoặc vừa ra sản phẩm mới về Covid đều dừng triển khai sản phẩm này, chờ ngày có chỉ đạo mới. Đến nay, trong khi vẫn chưa được phép bán chính thức, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã chuẩn bị sẵn các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi về dịch bệnh nhưng chưa thể ra mắt, một số khác thì bổ sung quyền lợi bảo hiểm có liên quan đến dịch bệnh trên nền sản phẩm bảo hiểm cũ.

Chẳng hạn, Vincomerce đã mua gói bảo hiểm “Khỏe mạnh trong mùa dịch” của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tặng cho khách hàng của VinMart/VinMart. Theo theo đó, sau 72h kể từ khi hợp đồng hiệu lực, nếu khách hàng vô tình nhiễm Covid thì vẫn được MIC bảo hiểm chi trả quyền lợi sức khoẻ.

Hay như sản phẩm “Vững Tâm An” của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - với quỹ hỗ trợ dịch bệnh (trong trường hợp khách hàng tử vong, nằm viện, điều trị sốc phản vệ), hoặc “VBI - vì cộng đồng” của Bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng đều bao gồm cả quyền lợi rủi ro liên quan đến dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi liệu sản phẩm có vi phạm quy định, cả PTI và VBI cùng cho rằng, đây là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, tai nạn, chứ không phải sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt về Covid.

“VBI - vì cộng đồng là chương trình bảo hiểm sức khỏe thông thường của VBI, được áp dụng theo Quy tắc Bảo hiểm sức khỏe VBIcare đã được ban hành và triển khai bán từ tháng 3/2012. Theo quy định của Bộ Tài chính, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ban hành trước 1/10/2012 không phải tiến hành đăng ký phê chuẩn, các công ty bảo hiểm được phép lưu hành và triển khai bán theo đúng quy định pháp luật về bảo hiểm”, đại diện VBI giải thích.

Trước ý kiến cho rằng poster sản phẩm này có quảng cáo quyền lợi về dịch bệnh nên không được phép bán, vị đại diện này cho hay, VBI không quảng cáo bất kỳ thông tin nào liên quan đến bệnh Covid-19, mà chỉ đề cập đây là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khách hàng nên tham gia trong mùa dịch do có quyền lợi và chi phí phù hợp, như vậy cũng không vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Không nhận được câu trả lời chính thức từ MIC về quyền lợi chi trả của sản phẩm này, nhưng liên lạc với hotline của MIC thì được biết, đối với trường hợp người nhiễm bệnh, hay nhiễm Covid phải nằm viện thì được bên bảo hiểm chi trả 120.000 đồng/ngày, tối đa là 14 ngày, còn không may tử vong thì mức chi trả không quá 40 triệu đồng/người/vụ.

Với các sản phẩm đang triển khai, dù không sản phẩm nào chi trả cho rủi ro nhiễm Covid trước khi tham gia bảo hiểm (nếu nhiễm không được bảo hiểm), nhưng đều có quyền lợi nếu nằm viện hay tử vong vì bất kỳ lý do gì, gồm cả nhiễm bệnh do dịch.

Hiện tại, bảo hiểm rủi ro nhiễm Covid chưa nhận được sự đồng thuận, dù với những đề xuất triển khai ở đối tượng rất hẹp.

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện bảo hiểm Covid-19 với người đi lao động nước ngoài, song các bộ, ngành liên quan có quan điểm trái chiều về đề xuất này.

Cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục bảo lưu quan điểm không đồng ý với việc triển khai bảo hiểm Covid-19 thương mại với người trong nước, do các chi phí điều trị người nhiễm bệnh đều được ngân sách nhà nước hoặc quỹ bảo hiểm chi trả, người dân cũng được tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí...

Còn Bộ Tài chính cho biết, hiện pháp luật về bảo hiểm không hạn chế đối với bảo hiểm sức khỏe, bao gồm cả bảo hiểm Covid, với điều kiện được phê duyệt. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án, hoặc là chưa cho phép doanh nghiệp bán bảo hiểm Covid - phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ là không triển khai sản phẩm bảo hiểm liên quan tới dịch bệnh này trong giai đoạn hiện nay, hoặc là cho phép doanh nghiệp bán bảo hiểm Covid đối với người đi xuất khẩu lao động và thí điểm áp dụng với người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, nhưng do phương án này không đảm bảo nguyên tắc “số đông bù số ít” nên cơ quan này quyết định chưa cho phép triển khai.

Tin bài liên quan